Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Củ khoai tây

KHOAI TÂY: ( Solanum tuberosum), cây lương thực thực phẩm được trồng hằng năm để lấy củ, họ Cà (Solanaceae). Cây thân thảo, cao 45 - 50 cm, lá kép mọc cách, hình lông chim lẻ. Hoa trắng hay tím, mọc thành xim hai ngả. Quả mọng màu lục, trong, nhiều hạt. Củ do những cành địa sinh (tia thân ngầm) phình lên, ở đầu mỗi củ có nhiều mắt ngủ, nảy thành mầm cây. Cây nguyên sản ở Chilê (Nam Mĩ), được đưa vào Châu Âu thế kỉ 17. Là cây lương thực quan trọng của các nước ôn đới và cận nhiệt đới. Được nhập vào Việt Nam cuối thế kỉ 19. Thời kì kết củ, nhiệt độ thích hợp là 17oC. Ưa đất nhẹ và ẩm mát thường xuyên trong suốt thời gian sinh trưởng (giống sớm từ 70 - 80 ngày, muộn từ 8 đến 9 tháng). Năng suất củ 10 - 20 tấn/ha với giống sớm, 40 - 50 tấn/ha với giống muộn. Có thể trồng bằng củ, hoặc bằng hạt. Vỏ củ có chất solanin độc; củ phát triển ở mặt đất, phơi ra ngoài không khí thì lượng solanin tăng và chất diệp lục xuất hiện lớp vỏ củ xanh, ăn độc.
Ở Việt Nam, có kinh nghiệm trồng KT trên đất ướt: đến thời vụ trồng KT, do mưa muộn, đất còn ướt thì vẫn cày ruộng, lên luống cao bằng các xá cày và trồng khoai bằng cụm trên luống, ở mỗi cụm rắc một ít trấu rồi một lớp đất bột trộn với phân chuồng, đặt củ khoai giống, phủ đất bột và tro lên trên. Sau có nắng hanh, luống khô dần, KT đã mọc, tiếp tục chăm sóc xới đất, làm cỏ, bón phân thúc ruộng khoai như thường.

 
 Phương pháp chọn giống khoai tây

- Các giống được trồng phổ biến hiện nay gồm 07, PO3 và Atlantic. Tuy nhiên giống Atlantic rất mẫn cảm đối với bệnh mốc sương vì vậy trong quá trình trồng và chăm sóc cần hết sức chú ý đến việc phòng trừ bệnh này.
- Cần chọn củ giống đồng đều, đường kính 30 – 40mm, mầm dài 1,5 – 2cm, không bị sứt mẻ, dị dạng, không có các biểu hiện nhiễm rệp, sâu bệnh.
Thời vụ và mật độ khoảng cách trồng khoai tây
+ Thời vụ: Vụ sớm trồng từ 20 đến 25-9; chính vụ trồng từ 10 đến 15-10; vụ muộn từ 10 đến 20-11.
+Mật độ và khoảng cách: Nên trồng khoai tây từ 5-6 khóm/m2 tương đương 1.300-1.500 củ giống/sào. Luống trồng hàng đôi nên bố trí khoảng cách trồng là: 40 x 30 cm, trồng xong phải lấp củ với độ sâu 3-5 cm.
Kỹ thuật bón phân và chăm sóc khoai tây
+ Bón phân: Một sào cần 500-700 kg phân chuồng, 10-12 kg đạm urê, 15-20 kg lân,  9-10 kg kali với cách bón như sau:
- Bón lót toàn bộ phân chuồng + toàn bộ phân lân + 1/3 đạm và 1/3 kali.
- Bón thúc lần 1: 1/3 đạm và 1/3 kali kết hợp vun xới lần 1.
- Bón thúc lần 2: hết số đạm và số kali còn lại kết hợp vun xới lần 2.
+ Chăm sóc: Khi trồng tuyệt đối không cho củ giống tiếp xúc với phân hoá học. Đất phải được giữ ẩm thường xuyên để giúp cho quá trình sinh trưởng và phát triển thân, lá, củ được thuận lợi. Giai đoạn trước khi thu hoạch 15-20 ngày tuyệt đối không được tưới nước nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng củ khoai tây. Phòng, trừ sâu bệnh: phun thuốc khi phát hiện rệp, nhện bằng thuốc Confidor, Pegaus, Shepar nồng độ 0,1-0,2%... hoặc trừ bệnh mốc sương bằng thuốc Rhidomil, Zinep 20-25 gr/bình. Phun đều hai mặt của lá.
Thời điểm thu hoạch khoai tây
Thu hoạch khi củ đạt độ chín sinh lý, biểu hiện là thân lá đã chuyển sang màu vàng tự nhiên, củ nhẵn bóng và rắn chắc, nên thu hoạch vào những ngày nắng ráo, loại bỏ cây bệnh trước khi thu hoạch.
Nguồn: Theo TT Tin học thống kê - Bộ Nông nghiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét