Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Củ cà rốt vũ khí phòng bệnh ung thư tuyến tiền liệt


Các nhà khoa học Anh đã tuyên bố cà rốt là một “vũ khí” mới trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

 Cà rốt - “Vũ khí” mới phòng bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Một nghiên cứu do Giáo sư Norman Maitland đến từ ĐH York phụ trách cho thấy một chế độ ăn uống giàu vitamin A có thể là chìa khóa để đánh bại bệnh ung thư tuyến tiền liệt bởi nó khiến căn bệnh này trở nên dễ điều trị hơn.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng axit retenoic (một chất hóa học được tạo thành từ vitamin A) có thể làm giảm khả năng xâm lấn sang các mô xung quanh của căn bệnh ung thư này.

Vitamin A có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cà rốt, khoai lang và các loại rau xanh như cải xoăn.

Giáo sư Maitland cho biết: “Nếu căn bệnh này bị hạn chế trong tuyến tiền liệt thì nó có thêm nhiều khả năng có thể được điều trị bằng các loại thuốc thông thường.

Việc này có thể coi là phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng nó có thể ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh ung thư này. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng các gen đôi cụ thể được “tắt” trong các tế bào gốc ung thư tuyến tiền liệt ác tính. Khi chúng ta khiến chúng được “bật” trở lại bằng việc sử dụng axit retenoic thì căn bệnh này trở nên ít nguy hiểm hơn. Từ nhiều năm nay, chúng ta đã biết nồng độ vitamin A thấp trong mẫu máu của những người đàn ông có liên hệ tới bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, chưa có ai hiểu về các cơ chế liên quan. Đây là một phát hiện mới thú vị, liên kết một nhân tố trong chế độ ăn uống của chúng ta với các tế bào gốc ung thư tuyến tiền liệt”.

Mỗi năm có 41.000 đàn ông nước Anh được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt và hơn 10.000 người tử vong vì căn bệnh này.


Theo Dailymail

Rau tươi tốt hơn rau đông lạnh


Khi cuộc sống ngày càng bận rộn hơn, rau đông lạnh là một lựa chọn thuận tiện và có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên liệu rau đông lạnh luôn luôn không tốt bằng rau tươi?
Bà Melanie McGrice, phát ngôn viên Hiệp hội Chuyên gia Dinh dưỡng Australia, cho biết chất lượng rau đông lạnh phụ thuộc vào tình trạng rau tươi như thế nào trước khi bảo quản.
“Lấy rau từ trong vườn là cách tối ưu nhất,” bà McGrice nói. “Tuy nhiên, ở Australia, rau thường phải vận chuyển một quãng đường khá xa trước khi tới tay người tiêu dùng. Khoảng thời gian vận chuyển có thể mất vài ngày. Mọi người đều biết rằng chất dinh dưỡng trong thực phẩm tươi giảm đi nếu để càng lâu.”
Mặt khác, chất dinh dưỡng trong các sản phẩm đông lạnh vẫn được duy trì trong quá trình bảo quản đông lạnh. “Tôi không nói rau quả tươi không phải là lựa chọn tốt. Người Úc thật may mắn khi có nhiều loại rau quả trồng ngay trên nước Úc. Mặc dù vậy, rau quả đông lạnh vẫn là một lựa chọn tốt.”
Hàm lượng vitamin vẫn duy trì trong rau lạnh
Các loại vitamin dễ hòa tan trong nước như vitamin C và một số loại vitamin B có thể giảm đi nếu rau quả tươi không được bảo quản lạnh sau khi thu hoạch. “Ví dụ, nếu giữ rau chân vịt (spinach) ở nhiệt độ 20°C  trong hai ngày, hàm lượng vitamin C sẽ giảm một nửa,” bà Tara Diversi, giảng viên khoa Dinh dưỡng cho Con người tại Đại học Sydney, giải thích.
Theo bà Diversi, rau thường được bảo quản lạnh ngay sau khi hái. Một hệ thống máy móc chuyên dụng được sử dụng để bảo quản rau quả ở mức nhiệt độ -18°C sau vài phút. Các chất dinh dưỡng cũng được làm lạnh trong quy trình này, nghĩa là rau đông lạnh có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với rau được coi là ‘tươi’.
Hơn nữa, ngoài duy trì lượng vitamin, rau bảo quản lạnh còn giữ được một số tính chất khác.  Một trong những lý do chính khi ăn rau là lấy chất xơ. Thành phần chất xơ không giảm nhanh, tức là rau sau khi thu hoạch 1 tuần vẫn đảm bảo thành phần xơ dù lượng vitamin giảm. Nếu chỉ có thể lựa chọn ăn rau để lâu hoặc không ăn rau thì rau để lâu vẫn có lợi cho sức khỏe hơn.
Cách chế biến là yếu tố then chốt
Bà McGrice và bà Diversi đều cho rằng phương pháp chế biến rau quả quan trọng hơn là rau tươi hay rau đông lạnh. Bà McGrice cho biết luộc rau với nhiều nước trong khoảng thời gian dài sẽ làm lượng vitamin hòa tan vào nước.
Dù sử dụng rau tươi hay rau đông lạnh, cần cho ít nước và nấu nhanh. Hấp hoặc nấu trong lò vi sóng sẽ tốt hơn luộc. Nếu dùng rau đông lạnh, bà McGrice khuyên nên đọc hướng dẫn trên nhãn sản phẩm. “Thông thường thành phần sản phẩm chỉ có rau. Đôi khi, đặc biệt là khi có nước sốt kèm theo, sản phẩm có thể có thêm muối và đường,” bà McGrice bổ sung.   
Chọn rau quả gì khi đi chợ?
Nếu đi chợ một lần mỗi tuần, bà McGrice khuyến cáo nên mua một ít rau tươi cho đầu tuần và một ít rau đông lạnh cho cuối tuần. Bà Diversi cho rằng nên đi chợ hai hay ba lần mỗi tuần để mua rau tươi và không phải bảo quản rau quá lâu trong tủ lạnh.
Dưới đây là một số điểm cần lưu ý khi cân nhắc ưu điểm và nhược điểm của rau tươi và rau đông lạnh.
Rau tươi
              ·      Vị ngon hơn
·      Có thành phần dinh dưỡng tốt hơn
·      Nếu hái trực tiếp từ vườn, chất lượng dinh dưỡng của rau sẽ tốt nhất
·      Tính đến khi ăn, rau có thể đã để khoảng hơn một tuần sau khi hái
Rau đông lạnh
·      Chất dinh dưỡng được bảo quản lạnh ngay sau khi hái
·      Thuận tiện và có thể bảo quản hàng tháng
·      Có thể ăn rau quả trái mùa
·      Bữa ăn có các loại rau đa dạng
·      Sau khi rã đông, rau bị úng nước do đá phá vỡ thành tế bào rau
·      Những loại rau chứa nhiều nước như rau cải thìa và rau diếp (rau xà lách-lettuce) không thể bảo quản lạnh tốt.
Theo: radioaustralia

Mẹo pha nước chanh tươi trong mùa hè


Nguyên liệu:
 
- 4 quả chanh tươi mọng nước
 
- 200g đường, dùng đường nâu sẽ thơm thoảng hương vị caramen
 
- 1,5 - 2 lít nước
- 1 thanh quế nhỏ
 
Tỷ lệ đường, nước và chanh có thể thay đổi tùy theo khẩu vị của bạn và tùy theo chất lượng của chanh nữa.
 
 
Cách làm:
 
Với cách pha nước chanh thông thường, bạn sẽ hòa tan đường trong nước rồi vắt chanh. Nhưng để nước chanh có hương vị hoàn hảo bạn cầu kỳ hơn chút: đun sôi đường với nửa lít nước, thả thêm thanh quế đun cùng, để có được vị siro ngọt ngào và thoang thoảng hương caramen cùng vị quế cay thơm. Bạn nhớ đun lửa nhỏ thôi, cho tới khi nước sôi và tan hết đường là được.
 
Vắt chanh ra một cốc riêng, bỏ hạt. Để lại chừng nửa quả để thái lát thả vào nước chanh khi dùng, nhớ gẩy bỏ hết hạt chanh trong các lát cắt.
 
Hòa nước cốt chanh vào bình chứa siro đường quế. Người ta thường cho rằng chanh vắt vào nước nóng sẽ đắng nhưng thực ra không phải vậy, chỉ khi nào bạn lỡ để rơi hạt chanh vào nước nóng thì mới bị đắng thôi. Tuy vậy nếu bạn không có nhu cầu uống nước chanh ấm nóng thì nên để siro nguội hẳn mới hòa chanh vào để vitamin trong nước cốt chanh không bốc hơi hết.
 
Thả các lát chanh vào bình nước chanh đã pha sẵn, thêm đá nếu thích.
 
Khi dùng, bạn pha 1 cốc siro với 3 cốc nước lọc, tùy theo sở thích của bạn mà rót thêm siro cho ngọt ngào hơn. Cách pha nước chanh này sẽ cho bạn món nước chanh giải khát đặc biệt, thực sự thơm ngon, ngọt ngào và quyện hương thơm tự nhiên như mùi mật ong rừng. Bạn hãy thử nhé!
 
Nếu thích có thêm mùi hoa quả tự nhiên, bạn hãy pha thêm nước ép hoa quả vào cùng, đôi khi chỉ vài lát hoa quả cũng đủ dậy mùi rồi đấy!
 
Theo Afamily

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Tác dụng của mật ong



1. Dùng thường xuyên: Giúp da dẻ hồng hào (bổ máu); Ăn ngon miệng hơn và ngủ sâu giấc hơn. Cách sử dụng: Pha 2 thìa mật ong với nước ấm (không quá nóng, không dùng nước lạnh), uống buổi sáng khi chưa ăn gì vào bụng. Tốt nhất sau đó khoảng 10-15 phút hãy ăn sáng. Ngoài ra: Mật ong đánh kem với lòng đỏ trứng gà, ăn mỗi ngày một quả sẽ làm da dẻ hồng hào, cơ thể khoẻ mạnh. Mật ong trộn với bột tam thất ăn mỗi bữa một chén con có thể giúp hồi phục sức lực sau khi ốm dậy.
 2. Hoà 2 thìa mật ong vào một cốc sữa tươi đã hâm nóng và uống từ từ từng ngụm nhỏ, giấc ngủ sẽ đến với bạn nhanh chóng và êm dịu.
3. Nếu bị cảm lạnh, bạn sẽ thấy dễ chịu ngay sau khi uống một cốc nước chanh nóng có pha thêm 2 thìa mật ong.
4. Mật ong tẩm vào bông có thể đánh sạch tưa lưỡi trẻ em. 5. Nếu bị ho, hãy lấy một quả chanh tươi, khía kiểu múi khế ở ở lớp vỏ ngoài, sau đó cho một vài thìa cà phê mật ong cho ngấm đủ toàn bộ quả chanh trong một cái chén. Để khoảng 1-2 giờ sau đó cắt ra ngậm sẽ đỡ ho ngay.
 6. Khi da bị trầy xước: làm sạch vết thương rồi bôi mật ong lên, vết xước sẽ mau lành và không bị nhiễm trùng hay sưng tấy.
7. Mật ong trộn với bột nghệ đen (thể hàn), nghệ vàng (thể nhiệt) có thể chữa viêm loét dạ dày. Ăn liền trong 1-2 tháng sẽ cho kết quả tốt. (Còn cái này là của tây, đơn giản dễ sợ luôn: 1 thìa mật ong nước chanh vắt nước ấm, uống trước khi ăn chữa đau dạ dày)
8. Với người huyết áp cao, dùng một ngày hai lần: 1 thìa mật ong nước ép gừng hồi xay nhỏ Ngoài ra mật sữa ong chúa (mật ong có chứa 2 – 4% sữa chúa) làm thuốc bổ cao cấp

Cách phân biệt mật ong thật hay giả



Có nhiều cách để nhận biết mật ong thật hay giả, mình sẽ chỉ các bạn vài cách nhận biết dễ áp
dụng nhất.
1. Lấy cọng hành tươi rửa sạch nhúng vào mật ong, để 1,2 phút nếu cọng hành co quéo lại là
mật ong thật còn không là giả.
2. Các bạn dùng chiếc đũa nhúng vào mật ong và nhỏ lên tờ giấy mỏng, mật ong thật sẽ nhỏ
thành giọt tròn và k thấm qua giấy liền.
3. Dùng lòng đỏ trứng gà quậy cùng với mật ong, nếu mật ong thật sẽ làm chín trứng còn
không là mật ong giả.
4. Dùng 1 thanh sắt hoặc 1 vật kim loại nào cũng được, bạn đun nóng và sau đó nhúng vào
mật ong, nếu thấy hơi nước bốc lên là mật ong pha tạp chất.
5. Dùng một que tre sạch khuấy đều lên, nếu trong mật ong có trộn lẫn các chất khác thì bạn
sẽ thấy màu đục hiện lên, còn mật ong nguyên chất thì không có hiện tượng ấy.

Công nghệ làm mật ong giả đầu độc người dùng


Chỉ cần vỏ cây núc nác, một ít phèn nấu với đường trong chừng 20 phút là có ngay chai mật ong y như thật. Loại mật ong giả này đang được rao bán công khai.

Mật ong là thứ thức uống bổ dưỡng, được người dân sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên, sự buông lỏng trong khâu kiểm soát, quản lý khiến cho một lượng lớn mật ong trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Nhiều sản phẩm bị pha trộn, thậm chí làm giả, làm nhái được rao bán công khai. Hậu quả là hàng nghìn người tiêu dùng rước họa vào thân.

"Mật ong giá nào cũng có, từ 100 - 300 nghìn đồng/chai, nhưng cô biết rồi đó, tiền nào của ấy. Rẻ tiền thì chỉ có đồ giả thôi" - câu nói của bà Nguyễn Thị Ngạt, chủ một cửa hiệu kinh doanh mật ong lâu năm, đã dẫn chúng tôi về xã Xuân Tín (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá).

Quy trình "hô biến" đường thành mật ong

Xã Xuân Tín vốn được mệnh danh là "thủ phủ" của các loại hàng giả như cao hổ, nhung hươu, mì chính, mật ong... Những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà mật ong còn hiếm hoi thì người dân ở Xuân Tín đã biết "chế biến" món mật ong giả mang đi bán khắp vùng. Gần đây, người tiêu dùng trong địa bàn đã cảnh giác hơn nên đội ngũ làm hàng giả này liền tỏa đi khắp nước để buôn bán những "sản vật quý hiếm" do chính họ tạo ra.

Các nguyên liệu như đường, phèn, muối được cho vào nồi nước đun sôi quấy đều

Trong vai người đi buôn mật ong, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn V., (trú tại thôn 22, xã Xuân Tín). Ông V. vốn có thâm niên hơn 30 năm trong nghề buôn bán, làm mật ong giả nhưng nay đã "rửa tay, gác kiếm". Phải mất nhiều giờ tỉ tê, tâm sự, ông mới hé lộ bí quyết làm mật ong giả cho chúng tôi.

Theo ông V., mật ong giả được pha chế và đun từ 4 nguyên liệu chính là đường, vỏ cây núc nác, nước lọc và phèn (hoặc chanh) tươi. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi kỹ hơn quy trình chế biến thì ông V. tỏ ra rất cảnh giác: "Không đề phòng sao được, công an hoặc phóng viên, nhà báo tới quay hình, chụp ảnh thì chết".

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể nhận diện mật ong giả qua nhiều cách như cho mật vào cốc nước và quan sát, nếu là mật ong thật sẽ không bị tan ngay trong nước. Mật ong giả sẽ tan nhanh và có màu đục. Hoặc cũng có thể lấy sợi tóc, hoặc lá hành để thử mật ong.

Chỉ đến khi chúng tôi đưa ra lý do muốn đặt hàng với số lượng lớn, đặt vấn đề làm ăn lâu dài nên muốn được tận mắt chứng kiến quy trình làm mật ong giả, ông V. mới bùi tai mà đồng ý đưa chúng tôi đi xem quy trình sản xuất của cậu em họ tên H., hiện đang còn hành nghề. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn cẩn thận dặn dò chúng tôi không được quay phim, chụp ảnh nếu không muốn về bằng... xe cứu thương.

Chỉ một cuộc điện thoại ngắn gọn, 10 phút sau, người em họ của ông V. đã có mặt ngay để thực hiện màn ảo thuật hô biến đường thành mật ong. Người đàn ông nhỏ con tay thoăn thoát đổ nước rồi hất luôn thìa phèn cùng vài hạt muối vào nồi nước đang đun nóng. Chừng 10 phút sau, ông thả cả 2kg đường vào nồi và khuấy đều.

Ông H. đang trổ tài biến đường thành mật ong

"Muốn mật đẹp thì khi cho đường vào nồi phải lấy đũa quấy đều liên tục không để đường bám dưới xoong. Sau khoảng 10 - 15 phút, khi dung dịch có màu vàng nhẹ, quánh lại là đã hoàn thành" - ông H. tiết lộ bí quyết gia truyền. Cũng theo ông H., thông thường khi nấu, thay vì dùng phèn người ta cũng có thể cho chanh tươi vào để chai mật không bị đóng đường lại.

Tuy nhiên, dùng chanh tuy ít độc hơn nhưng mật lại hay bị loãng và không để được lâu như phèn. Tùy vào chất lượng, màu sắc của nước đường mà có thể đun vỏ của cây núc nác để tạo màu vàng đậm cho chai mật ong. Chưa đầy 20 phút, với những công đoạn không mấy phức tạp, đường đã được biến thành mật ong mà không cần đến sự nhọc nhằn của bất kỳ một con ong thợ nào.

Để ngụy trang cho hỗn hợp nước đường trở thành mật ong thứ thiệt, sau khi để nguội, rót vào chai, người đàn ông này còn cà một ít sáp ong lên cổ chai và đổ thêm vài giọt mật lên thành chai để chai mật có mùi thơm đặc trưng của mật ong. Mùi thơm của hương mật ong, cộng với màu vàng trong của hỗn hợp nước đường và một chiếc nút lá chuối đã biến chai nước đường thành chai mật ong 100%. Chỉ với 2 cân đường có giá chưa đầy 40.000 đồng, ông H. đã hô biến thành 2 chai mật ong hảo hạng mà theo ông H.: "Cô có bán rẻ thì 2 chai mật này của tôi cũng phải được gần 300.000 đồng".

Tỏ ra là người kỹ tính, chúng tôi đặt 2 chai mật ong giả cạnh những chai mật ong thật để so sánh. Thật ngạc nhiên, 2 chai nước đường có màu sắc giống chai mật thật đến 99%. Nếu chỉ dùng phương pháp kiểm tra thông thường bằng mắt và mũi thì khó mà phân biệt được đâu là thật đâu là giả.

Tràn lan mật ong kém chất lượng

Khảo sát tại một số nơi trên địa bàn TP.Hà Nội như chợ Long Biên, phố Lãn Ông... cho thấy giá mật ong hiện nay khá hữu nghị. Tại chợ đầu mối Long Biên, một chai mật ong dung tích 650ml có giá khoảng 150.000 - 250.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Giang, chủ cửa hàng mua bán mật ong rừng tại đây, cho biết: "Tùy từng loại mật ong, mật rừng hay mật nhà mà có giá bán khác nhau. Cụ thể, mật ong rừng nguyên chất 100% nhập từ các tỉnh miền núi phía bắc có giá từ 200.000 - 250.000 đồng/1 chai. Riêng mật ong nhà có giá từ 150.000 - 170.000 đồng/1 chai. Ngoài ra còn có nhiều loại mật được quảng cáo là có giá khá hữu nghị chỉ ở mức 100.000 - 130.000 đồng/1 chai.

Khi thắc mắc tại sao giá mật ong lại có sự khác biệt lớn như vậy, vị chủ cửa hàng này lý giải: "Thông thường mật ong có rất nhiều loại. Ví như mật ong hoa bạc hà, mật ong hoa xoài, mật ong hoa vải... mỗi loại hoa có hàm lượng dinh dưỡng, bổ dưỡng khác nhau".

Cầm trên tay một chai mật 650ml có màu nâu sẫm, chị Giang quảng cáo: "Muốn rẻ thì em lấy chai này, làm quà biếu đại trà là tốt nhất, giá chỉ hơn 100.000 đồng/1 chai. Lấy nhiều chị sẽ để giá hữu nghị hơn nữa". Nói rồi chị nháy mắt, tỉ tê: "Nhà tôi kinh doanh đa dạng, mật kiểu gì cũng có, loại này tuy không phải là hàng thật 100% nhưng dùng cũng được, mà giá lại rẻ nên bán chạy lắm".

Chị Nguyễn Thu Hương (chủ 1 cơ sở chế biến cà phê và nuôi ong lấy mật tại Gia Lai) cho biết có rất nhiều loại mật, mỗi loại có một mức giá khác nhau. Mật ong nhập cho các công ty xuất khẩu trên địa bàn có giá giao động từ 70.000 - 80.000 đồng/1lít. Thông thường nếu mật ong ngon, đặc quánh thì 1 lít mật có thể cho tới 1,5kg mật. Mật có nhiều dạng, mật vải, mật cà phê, mật cao su, mật tràm... Trong đó, mật vải là loại mật ngon nhất.

Gia đình chị Hương nuôi gần 4.000 đàn ong (đầu tư mất khoảng 150 triệu đồng), mỗi năm cũng cho thu hoạch 20 - 30 tấn mật. Tuy nhiên, để mật ngon, chất lượng còn phải tùy thuộc vào thời điểm mùa, vụ hoa, hay thời tiết trong năm.

Thông thường, nếu nuôi bầy ong cỡ lớn, hoa ít thì các chủ hộ cũng sẽ cho ong ăn thêm đường để tạo mật, tuy nhiên nếu vậy mật ong này sẽ không được thơm ngon như mật được lấy từ ong đi hút nhụy. Để vắt được một lứa mật phải mất từ 6 - 7 tháng, nhưng nếu cho ong ăn đường thì khoảng cách vắt mật sẽ ngắn hơn chừng 3 - 4 tháng.

Hiện tại hầu hết các chủ hộ nuôi ong lấy mật tại Gia Lai đều cung cấp hàng cho các công ty xuất nhập khẩu mật ong. Tuy nhiên, hằng ngày có hàng chục gia đình bị công ty trả lại hàng do mật ong không đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, hoặc bị phát hiện nồng độ hóa chất, thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. "Cũng chính vì vậy nên chủ hộ đành phải tự pha chế, hoặc đóng chai lẻ bán cho người dân hoặc bán ra chợ truyền thống" - chị Hương cho biết.

Không riêng gì Gia Lai, tại nhiều tỉnh thành phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang... nhiều sản phẩm mật ong được bày bán tràn lan ven đường cũng không được kiểm chứng về chất lượng. Theo ghi nhận của người dân quanh khu vực này thì đây chủ yếu là người dân từ địa phương khác mang mật về bán, đa số là mật ong chế từ đường ra.

Rắc sáp ong lên bề mặt chai đường để hoàn thiện "chu trình biến hóa"

Mật ong giả gây hại cho sức khoẻ

Ngay sau khi nhận được thông tin trên địa bàn xã Xuân Tín có hộ sản xuất, chế biến mật ong giả, chúng tôi đã liên lạc để làm việc với chính quyền xã và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa. đại diện chính quyền xã Xuân Tín từ chối tiếp chuyện PV với lý do bận. "Không có trường hợp nào sản xuấtmật ong giảcả. Tôi cũng chưa đọc bài viết nào cả. Báo thích tuyên truyền nói xấu thì cứ nói thôi" - vị lãnh đạo này trao đổi qua điện thoại.

Ông Trần Văn Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa - nhận định: "Ở chừng mực nào đó vẫn có những hộ gia đình sản xuất mật ong giả mang đi tiêu thụ. Nhưng vì số lượng nhỏ lẻ nên rất khó thanh kiểm tra, xác minh, xử lý". Cũng theo lý giải của ông Tâm thì các hộ này không sản xuất tại nhà, đi tới đâu sản xuất, tiêu thụ tới đó. Quy mô sản xuất cũng không lớn, chủ yếu đi tiêu thụ ở các xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên càng khó kiểm soát. Thường thì những vùng nuôi ong lại là những vùng dễ bị trà trộn mật ong giả mang đi bán nhiều nhất".

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết: "Mật ong tuy là loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng nếu vô tình mua và sử dụng phải mật ong giả thì bổ đâu chưa thấy mà nguy cơ mắc bệnh đã hiện hữu. Người tiêu dùng có thể bị tăng cân, gây béo phì và mất cân bằng hệ tiêu hóa.

Khoa học cấm sử dụng phèn chua để sản xuất, chế biến thức ăn vì nó gây nguy hiểm cho sức khỏe. Phèn chua là muối sun-fat nhôm, sắt hay còn gọi là "muối kép", được dùng để lọc nước hoặc để sát trùng chứ không bao giờ đưa trực tiếp vào thực phẩm. Hợp chất chứa sắt, nhôm có trong phèn khi vào cơ thể sẽ khiến cho chức năng dạ dày bị rối loạn và ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hóa, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể".

Trong khi đó, ông Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - cũng cho rằng sử dụng mật ong giả sẽ khiến người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ "tiền mất, tật mang". Đặc biệt, mật ong giả có lẫn tạp chất, hóa chất tạo màu, tạo mùi... có thể tạo thành hợp chất cực độc. Riêng đối với những loại mật ong pha trộn thì nguy cơ lẫn tạp chất, hóa chất độc hại lại càng nhiều hơn.

Thông tin từ một số người dân trong làng, hiện nay xã Xuân Tín vẫn còn chừng hai, ba chục hộ làm nghề buôn bán mật ong giả. Đa phần những hộ này đều phải đi buôn bán ở xa, có người còn phải đi từ tỉnh này sang tỉnh kia, đạp xe hàng chục cây số về các vùng nông thôn để bán hàng. Thông thường, mỗi ngày họ cũng chỉ nấu chừng 5 - 10 chai, bán hết rồi mới dám nấu mẻ khác.

"Không khó để nhận diện, phân biệt mật ong giả và mật ong thật. Thường mật ong thật có màu vàng trong, có độ sánh và thơm ngậy, trên cổ trai có bọt trắng mịn nhỏ li ti. Lấy vài giọt mật thật và mật giả cho lên giấy, nếu giọt mật nào thấm vào giấy thì đó là mật giả, mật thật sẽ giữ nguyên hình dáng và trạng thái ban đầu" - ông Trần Đáng cho biết.


Những cách tiết kiệm mua sắm


Mua trứng gà cả vỉ sẽ rẻ hơn mua lẻ tới 900 đồng mỗi quả, chọn rau củ xin thêm gia vị ăn kèm, canh siêu thị bán hàng khuyến mãi... là những chiêu tiết kiệm hiệu quả.


Nếu mua bầu bí, su hào, thơm, chị Lan (quận 3, TP HCM) luôn chọn các xe đẩy rong vì lấy 3 quả bất kỳ cũng chỉ tính 10.000 đồng, tiết kiệm tiền và thời gian đi lại. Nếu mua lẻ, mỗi quả cũng tầm 4.000-5.000 đồng. Chỉ cần khéo léo trong nấu nướng, bà nội trợ vẫn dùng hết 3 quả trong thời gian ngắn để chế biến món ăn phong phú mà vẫn đảm bảo độ tươi xanh của rau củ.


Kiểu tiết kiệm của chị Thanh (quận Bình Thạnh, TP HCM) là "xin" thêm hành ngò, ớt sau khi mua rau củ quả, bởi "bớt được đồng nào hay đồng ấy". Mỗi lần mua hành ngò ớt mất khoảng 2.000-3.000 đồng nhưng lại dùng không hết nên "chiêu" của chị là chỉ cần mua một ít rau hoặc củ rồi xin thêm vài cọng là đã đủ giúp cho nồi canh, đĩa rau xào dậy mùi thơm phức.

"Cứ mỗi sạp một ít, tôi tiết kiệm được 5.000 đồng tiền gia vị mỗi ngày", chị chia sẻ.


Với anh Hải (quận Thủ Đức), mua nguyên vỉ trứng sẽ rẻ hơn nhiều hơn so với mua từng quả một. Anh ví dụ mua lẻ là 3.000 đồng, trong khi chọn cả vỉ (10 quả ) chỉ có 21.000 đồng.

"Mua cả vỉ tiết kiệm 9.000 đồng. Nếu sợ để lâu bị hỏng có thể chia lại cho mọi người trong xóm trọ", anh Hải kể.


Tương tự, mì tôm mua cả thùng sẽ tiết kiệm gần cả chục nghìn so với từng gói. Chị Lan (quận 3) tính toán, nếu mua nguyên thùng giá chỉ 141.000 đồng (24 gói), trong khi đó mua lẻ 6.200 đồng một gói, nếu mua 24 gói phải mất tới 149.000 đồng.


Mua nước rửa chén trong bịch sẽ rẻ hơn chai 4.000-5.000 đồng. Đây là cách mà nhiều sinh viên, bà nội trợ hay áp dụng.


Trong khi đó, cách chi xài tiết kiệm của chị Lam ở quận 10 là rủ bạn mua chung hàng khuyến mãi.

"Cứ thấy siêu thị giảm giá mạnh là 2 chị em rủ nhau mua liền, vì càng mua với số lượng lớn giá càng rẻ, không những thế còn được tặng phiếu mua hàng hoặc bốc thăm trúng thưởng giá trị lớn", Lam cho biết.
http://bveget.com/hat-huong-duong/huong-duong-pica/huong-duong-khoai-mon
http://bveget.com/mat-ong-hoa-nhan/mat-ong-hoa-tao

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Thực phẩm bắt đầu 'ngấm' giá xăng dầu

Khảo sát tại các chợ đầu mối Phùng Khoang, Dịch Vọng, Ngã Tư Sở (Hà Nội) vào sáng ngày 1/4 cho thấy, giá hầu hết các mặt hàng rau củ quả tại chợ đã thay đổi theo chiều hướng tăng lên từ 500-3.000 đồng/kg, tùy loại, so với thời điểm trước khi xăng dầu tăng giá.

Tại chợ đầu mối Phùng Khoang, hiện giá bắp cải là 3.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; su su, súp lơ giá 4.000 đồng/kg/cái, tăng 1.000 đồng; cà rốt 8.000- 12.000 đồng/kg tùy loại, tăng 1.000-2.000 đồng/kg; dưa chuột 7.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg...

Một số loại rau khác còn tăng giá mạnh hơn, như: rau dền cách đây khoảng 4 ngày giá 5.000 đồng/4 mớ, nay tăng lên 2.000 đồng/mớ; su hào tăng gấp đôi, lên 3.000 đồng/củ loại ngon, loại thường giá 2.000 đồng; cải thảo, đỗ xanh tăng thêm 3.000 đồng/kg, lên 9.000 đồng/kg đỗ xanh và 8.000 đồng/kg cải thảo.

Tương tự, tại các chợ bán lẻ, chợ cóc giá theo đó cũng được đẩy lên theo giá tại các chợ đầu mối.
tiểu thương, rau củ, thịt, cá, tăng giá, xăng, tươi sống, vận chuyển
Giá rau củ tăng mạnh do giá xăng tăng.
Lý giải về việc tăng giá, chị Hồ Thị Nga, tiểu thương chợ đầu mối Dịch Vọng, cho biết, một phần là do xăng tăng kéo theo chi phí vận chuyển cũng tăng lên. Từ ruộng tới chợ, qua mỗi nấc trung gian, thương lái lại tính thêm một ít chi phí vận chuyển để bù vào phần tiền cước tăng.

Mặt khác, hiện đang là thời điểm cuối vụ rau, hàng không còn dồi dào như trước cộng với việc mấy ngày nay mưa nhiều, rau củ quả đổ về chợ đầu mối giảm nên rau mới tăng giá mạnh - chị Nga cho hay.

Ế ẩm, giá thịt cá không dám tăng thêm
Trái ngược với hàng rau củ quả có thể "bắt sóng" giá xăng tăng ngay lập tức, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, bò, thủy hải sản vẫn khá ổn định so với trước chứ chưa có dấu hiệu "ăn theo" giá xăng.
Chị Nguyễn Thị Vân - tiểu thương bán thịt tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) - cho biết: Sau khi xăng tăng giá, các mặt hàng rau củ quả giá đã tăng theo ngay để bù vào chi phí cho cước vận chuyển. Thế nhưng giá thịt lợn vẫn giữ nguyên không tăng thêm đồng nào, mặc dù tiền phí vận chuyển đã bị đẩy lên cao hơn. 
tiểu thương, rau củ, thịt, cá, tăng giá, xăng, tươi sống, vận chuyển

Ở vào thời điểm hiện tại, các loại thực phẩm thịt lợn, thịt bò đang ế ẩm, ít người ăn hơn do kinh tế khó khăn, nhà nhà "thắt lưng buộc bụng", cắt bớt khẩu phần thịt hàng ngày trong bữa cơm gia đình. Lâu nay, đi chợ khách chỉ mua được khoảng 20.000 đồng, ai mua tới 30.000 đồng tiền thịt là nhiều. "Giờ mà tăng giá lên theo giá xăng dầu nữa chắc còn ế ẩm hơn nhiều. Thế nên, tiểu thương không ai dám tăng giá theo giá xăng cả", chị Vân chia sẻ.

Ghi nhận của PV tại chợ Dịch Vọng, các loại thịt lợn như: ba chỉ, mông, vai có giá 80.000 đồng/kg; sườn, nạc thăn giá 90.000 đồng/kg. Thịt bò giá cũng giữ nguyên không đổi. Còn tại các chợ lẻ, chợ cóc thường cao hơn khoảng 10 giá so với chợ đầu mối.

Tương tự, thủy hải sản tươi sống dịp này cũng khá ổn định. Hiện tại chợ cá chép loại to 1 kg/con trở lên có giá 55.000 đồng/kg, cá trôi giá 32.000 đồng/kg, cá rô phi 45.000 đồng/kg, tôm đồng giá 90.0000-150.000 đồng/kg tuỳ loại, ngao 18.000 đồng/kg...

Trái ngược hẳn với mặt hàng thủy hải sản, thịt lợn, bò thì giá các loại thịt gà, trứng giá cầm lại đang nhích dần lên. Tại chợ Dịch Vọng, thịt gà công nghiệp nguyên con có giá 48.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; cánh gà 75.000 đồng/kg, đùi gà 50.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; thịt gà đẻ (gà thải loại) 100.000 đồng/kg.

Các loại trứng giá cầm tăng 1.000 đồng/chục quả, lên 30.000 đồng/chục quả trứng vịt loại to, loại nhỏ giá từ 24.000-28.000 đồng/chục quả. Trứng gà đỏ giá 21.000 đồng/chục quả loại to, loại nhỏ giá thấp hơn 2.000 đồng, trứng gà ta giá 30.000 đồng/chục quả.