Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Cách trồng và chăm sóc cây đu đủ


Nông trang bveget
Cây Đu đủ có tên khoa học Carica papaya L. được trồng phổ biến trong cả nước. Quả đu đủ chín có giá trị dinh dưỡng cao. Nhiệt độ thích hợp: 20-260C, chịu rét kém, do đó những nơi có nhiệt độ thấp hơn 50C hoặc có sương muối không thích hợp với đu đủ.
1. Kỹ thuật trồng trọt:
Chọn quả chín kỹ, cắt bỏ phần đầu và phần cuống quả, lấy hạt ở phần giữa quả thả ngay vào nước, chọn hạt đen và chìm, rửa sạch màn nhớt bọc ngoài hạt, đem hong khô trong râm rồi gieo ngay.
Gieo hạt: làm luống như gieo hạt rau, có thể gieo vãi hoặc gieo thành vạch với khoảng cách rạch 15-20cm. Có thể gieo trong bầu PE có kích thước 10x15cm, đất trồng với loại phân mục, cho đầy bầu, lèn chặt, gieo 2-3 hạt, tưới nước giữ ẩm cho bầu.
Cách trồng: Cây đem trồng phải thấp cây, gốc to và nhỏ dần lên theo hình búp măng, đốt lá dày, lá to có 7-8 thuỳ màu xanh đậm, có bộ rễ chùm. Đào hố kích thước 40x40cm, khoảng cách cây 2,5x2,0m. Mỗi hố bón 10kg phân chuồng hoai mục + 0,3kg supe lân + 0,4kg sulfat kali. Thời vụ trồng: tháng 3-4 hoặc tháng 9-10.
2. Chăm sóc:
Sau khi trồng tưới nước giữ ẩm thường xuyên mỗi ngày 1 lần; sang tuần thứ 2 cứ 2 ngày tưới nước 1 lần.
Bón phân: Đối với cây dưới 1 tuổi: 50-100g sulfat đạm, 150-300g lân, 20-40g sulfat kali. Chú ý bón làm 3-4 lần, kết hợp với làm cỏ, vun gốc.
Phòng trừ sâu bệnh: Rệp sáp hại thân lá, quả non: lá sớm bị vàng, quả ăn nhạt. Phòng trừ bằng cách phun Bi58 0,1-0,2% hay Supracide 40ED 0,1-0,15% hoặc Sumicidin 10EC với nồng độ 4-8cc/10 lít nước rồi phun cho ướt đều các lá.
Bệnh virut (hoa, lá đu đủ): xoắn ngọn, chùn ngọn là những bệnh khó khăn, chữa phải nhổ bỏ, đem đốt cây và xử lý đất.
Bệnh thối cổ rễ: thường bị ở cây non mới trồng nơi có độ ẩm cao. Khắc phục bằng cách thoát nước tốt cho vườn cây, loại bỏ cây bị bệnh, phun Bóođô 1%.
Để phòng sâu bệnh có thể thông qua con đường chọn giống, vệ sinh vườn, diệt côn trùng môi giới truyền bệnh.
Một số nơi có kinh nghiệm trồng đu đủ chỉ sau 1 năm trồng chặt bỏ cây cũ và trồng lại cây mới vừa có tác dụng phòng bệnh, chống được gió bão, lại cho năng suất cao.
Lưu ý: Cây Đu đủ kém chịu hạn, sợ úng. Lượng mưa thích hợp hàng năm 1.300-1.500mm.
(Kim Yến - Sở NNPTNT Ninh Thuận)

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

15 loại trái cây tốt cho chị em phụ nữ

Không chỉ giàu vitamin A,C và nhiều chất dinh dưỡng khác, trái cây còn có thể giúp ngăn ngừa rất nhiều loại bệnh tật như bệnh tim mạch và đột quỵ, kiểm soát huyết áp và lượng cholesterol, ngăn ngừa một số loại ung thư và bảo vệ thị lực tốt nhất. Theo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng Canada, phụ nữ nên bổ sung thường xuyên các loại rau quả vào chế độ ăn hàng ngày để có được sức khỏe tốt nhất.

Trong số các loại hoa quả có trong tự nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đã chọn ra 15 loại trái cây được cho là tốt nhất với sức khỏe của chúng ta.

1. Táo

Giá trị dinh dưỡng (1 quả táo): 75 calo, 3 gram chất xơ.

Công dụng: Táo rất giàu chất chống oxy hóa có tên gọi flavonoid, có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và hen suyễn. Táo cũng có công dụng làm sạch miệng và răng tự nhiên.

Bạn đã biết? Hương vị và mùi thơm của táo nằm chủ yếu ở vỏ táo chính vì vậy, khi ăn bạn không nên cắt bỏ vỏ mà nên rửa sạch bằng nước muối trước khi sử dụng.

2. Bơ


Giá trị dinh dưỡng (1/2 quả bơ):  114 calo, 4,5 gram chất xơ, giàu nguồn vitamin E và folate.
Công dụng: Quả bơ có chứa lượng lớn chất béo không bão hòa đơn có tác dụng giúp giảm lượng cholesterol, rất tốt cho người mắc bệnh tim.

Bạn đã biết? Quả bơ đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ bởi trẻ thường rất thích những đồ ăn béo ngậy. Chất béo không bão hòa đơn trong quả bơ rất tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. 

3. Chuối

Giá trị dinh dưỡng (1 quả chuối): 105 calo, 3gram chất xơ, vitamin B6, kali, folate.
Công dụng: Với 422 mg kali trong mỗi quả chuối – là loại trái cây giàu kali nhất – có tác dụng tuyệt vời cho người cao huyết áp.

Bạn đã biết? Người bị dị ứng với mủ cao su cũng bị dị ứng tương tự với chuối. Bạn cần lưu ý điều này.

4. Quả mâm xôi


Giá trị dinh dưỡng: 31 calo, 4gram chất xơ, giàu chất chống oxy hóa.

Công dụng: quả mâm xôi có màu tím đậm, giàu chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ đột quỵ và ung thư đặc biệt là ung thư phổi.

Bạn đã biết? Người Hy Lạp cổ gọi quả mâm xôi là quả gout (gout-berries) và thường dùng để chữa các triệu chứng liên quan đến bệnh gout.

5. Quả việt quất

Giá trị dinh dưỡng: 41 calo, 1,5gram chất xơ, giàu chất chống oxy hóa
Công dụng: Quả việt quất được xếp vào hàng số 1 trong 60 loại trái cây và rau củ giàu chất chống oxy hóa nhất. Loại qảu này rất tốt trong việc giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh thần kinh như alzheimer, parkinson.

Bạn đã biết? Bạn có thể sử dụng quả việt quất làm sản phẩm đông lạnh để trong vòng một năm sau, trộm làm bánh rất có lợi cho sức khỏe. Loại sản phẩm đông lạnh này cũng được bán quanh năm trên thị trường.

6. Dưa vàng

Giá trị dinh dưỡng: 25 calo, 1gram chất xơ, giàu vitamin A, folate và kali.
Công dụng: Dưa vàng rất giàu chất chống oxy hóa beta-carotene có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Bạn đã biết? Rất nhiều loại vi khuẩn tích tụ bên ngoài bề mặt dưa vàng, vì vậy khi sử dụng bạn cần rửa thật sạch và gọt sâu vỏ.

7. Quả cherry

Giá trị dinh dưỡng: 46 calo, 1,5 gram chất xơ, giàu chất chống oxy hóa, giàu vitami C
Công dụng: quả chherry có rất giàu chất chống oxy hóa anthocyanin giúp làm giảm viêm, đau khớp và bệnh gout.

Bạn đã biết? Quả cherry thường được sử dụng trong các loại bánh, mứt trông rất đẹp mắt.

8. Nho

Giá trị dinh dưỡng: 53 calo, 1gram chất xơ, giàu mangan.
Công dụng: Nho rất giàu chất chống oxy hóa resveratrol, giúp ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giảm huyết áp và giảm nguy cơ đông máu. Nó cũng có tác dụng ngăn ngừa bệnh đau dạ dày, ung thư vú và các tế bào ung thư ruột.
Theo_Eva

Tác dụng khi ăn đu đủ

Đu đủ tự nhiên
Đu đủ ăn ngọt thơm, thấm vào đến tim phổi, tươi ngon vô cùng. Đu đủ hương vị độc đáo, ăn bổ, được người Trung Quốc mệnh danh là "vua quả Lĩnh Nam". Quả đu đủ chín vàng, có hình dáng đẹp, ăn tươi hoặc chế biến để dùng điều trị bệnh dạ dày đều tốt.

Tương truyền, có một viên quan huyện triều Minh sinh hạ được ba cô con gái; mãi đến năm 42 tuổi, ông này mới có một cậu con trai, đặt tên là Đức Lâm. Cậu ấm được cả phủ quý như viên ngọc sáng. Ai ngờ Đức Lâm từ nhỏ đã gầy yếu, lắm bệnh, người như que củi, quặt quẹo luôn. Đến năm 13-14 tuổi, cậu ấm còn đi chưa vững, hay buồn nôn, kém ăn, uống nhiều thứ thuốc mà sức khỏe vẫn không khá lên được.
Mùa xuân năm ấy xảy ra chiến tranh, viên quan đánh không nổi thiên binh vạn mã của địch, chết nơi chiến trường. Cậu bé Đức Lâm theo mẹ lang bạt xuống vùng Lĩnh Nam, người mệt, bụng đói, bệnh tình ngày càng nặng hơn. Đêm đến, mẹ con tựa vào nhau ngủ thiếp đi. Về khuya, trăng lên cao, một cơn gió lạnh làm cho phu nhân tỉnh giấc. Bà thấy trên sườn đồi trước mặt có ánh vàng lấp lánh. Một ông tiên râu tóc bạc phơ cầm gậy, lúc chỉ sang phía đông, lúc chỉ sang phía tây. Mấy chục con hạc tiên tỏa ánh bạc bay lượn trên không trung, biến hóa đội hình theo cây gậy của tiên ông, nửa giờ sau thì biến mất. Phu nhân lấy làm lạ, phải căng thần linh đang thương tình mách bảo mẹ con bà?

Sáng sớm hôm sau, phu nhân cố sức cõng con trai đi về phía quả đồi. Lên đến sườn đồi, bà ngạc nhiên sững sờ khi thấy ở thung lũng mấy chục cây lạ chi chít những quả to bằng quả bầu, màu vàng óng. Một dòng suối trong chảy từ trên cao xuống, xung quanh cỏ hoa tươi tốt um tùm, mùi thơm ngào ngạt, chẳng khác nào nơi bồng lai tiên cảnh. Đang đói mệt, bà bèn đặt Đức Lâm xuống, hái lấy một quả chín vàng ăn. Hương vị ngọt thơm, lần đầu tiên trong đời được nếm làm cho phu nhân tỉnh táo hẳn. Bà đưa một miếng vào miệng con và hai mẹ con cứ thế ăn no nê. Ngày hôm sau, bà dựng lều tại đó, hết ăn tươi lại nấu chín thứ quả đó. Sau hơn 10 ngày, bệnh tình con bà đã lui hẳn. Sau vài tháng ăn đu đủ, Đức Lâm đã leo được lên núi đốn củi, giúp mẹ làm lụng, cơ thể cậu rắn chắc khỏe mạnh, cao lớn hẳn lên. Phu nhân kể lại sự việc này cho dân chúng. Một đồn mười, mười đồn trăm... Truyền thuyết trên chứng tỏ đu đủ đúng là thứ quả có giá trị, ăn ngon và chữa được nhiều bệnh.

Theo "Trung dược đại từ điển", đu đủ chứa một loại kiềm có tác dụng phòng chống ung thư và sát trùng, diệt khuẩn. Men protein trong đu đủ giúp tiêu hóa protein, chữa rối loạn tiêu hóa và viêm dạ dày mạn tính, chân gối mỏi... Nhựa đu đủ xanh làm tiêu tan các tổ chức mô bị hoại thư. Ngoài ra, lá đu đủ giã nát đắp vào mụn nhọt, vết loét có tác dụng điều trị nhất định.

Người Quảng Đông đặc biệt thích ăn món đu đủ hầm với đường phèn. Cách làm đơn giản: chỉ cần 1 quả đu đủ chín, gọt vỏ, thái miếng, đựng trong bát to, tra đường phèn, hầm cách thủy. Món này ăn rất ngon, có hương vị đặc trưng, già trẻ ăn quanh năm đều được. Việc ăn nó thường xuyên trong mùa xuân, hè có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Ăn vào mùa thu, đông có tác dụng nhuận táo, ấm dạ dày, bổ tỳ vị, dưỡng gan, giảm ho, nhuận phổi, tan đờm.

Một số bài thuốc chữa bệnh bằng đu đủ:

- Viêm dạ dày: Đu đủ 30 gam, táo tây 30 gam, mía 30 gam, sắc uống.

- Tỳ vị hư nhược: Đu đủ 30 gam, củ mài 15 gam, sơn tra 6 gam, gạo nếp 100 gam, nấu cháo ăn ngày 2 lần (sáng - chiều).

- Đau lưng mỏi gối: Đu đủ 30 gam, ngưu tất 15 gam, hoàng kỳ 10 gam, đỗ tương 15 gam, câu kỳ tử 10 gam, cam thảo 3 gam, sắc uống.

- Ho do phế hư: Đu đủ 100 gam, đường phèn 20-30 gam, hầm ăn.

- Mụn nhọt: Lá đu đủ giã nát, đắp.
Theo_Việt Nam Thư Quán

Công dụng trị bệnh của bưởi

Múi bưởi chứa caroten, các vitamin B1, B2, C, axit hữu cơ, canxi, phốt pho, sắt, đường... Vỏ bưởi có chứa chất dầu bay hơi, chất gluccoxit đặc trưng. Hạt bưởi chứa dầu lipid, aceton, este.
Bưởi tự nhiên
Theo Đông y, múi bưởi có vị ngọt, chua, tính hàn, có tác dụng kiện tỳ, giảm ho, tan đờm, chữa rối loạn tiêu hóa, đau đầy bụng, khó tiêu, đau khớp hoặc dị ứng mẩn ngứa da, sa ruột... Dùng 100 gam bưởi, 30 gam rượu, 30 gam mật ong đem hầm cách thủy ăn có tác dụng chữa ho, long đờm. Bưởi giúp tiêu hóa tốt hơn và chữa say rượu.

Vỏ bưởi tính ấm, vị đắng, ngọt, có tác dụng tan đờm, giảm ho, điều hòa khí, giảm đau. Vỏ bưởi tươi, gừng tươi giã nát, đắp vào chỗ khớp xương đau trị được bệnh đau xương khớp. Vỏ bưởi ướp đường ăn chữa say xe, say nóng trẻ em đau đầy chướng bụng.

Hạt bưởi tính ấm, vị đắng, giã nát sắc uống dùng chữa sa ruột, sa nang. Toàn bộ quả bưởi (cả vỏ lẫn múi) thái nhỏ sắc uống có thể chữa mẩn ngứa da do dị ứng.

Một số bài thuốc chữa bệnh bằng bưởi

- Ho do phế nhiệt: Múi bưởi 100 gam, lê tươi 100 gam, nấu nhừ, tra mật ong hoặc đường phèn, trộn đều ăn.

- Dự phòng hen suyễn: Mỗi ngày ăn 100-200 gam bưởi, liền trong 1 tuần.

- Ăn khó tiêu: Vỏ bưởi 15 gam, màng mề gà, sơn tra mỗi loại 10 gam, sa nhân 5 gam, sắc uống.

- Sưng vú nổi u cục: Lá bưởi 10 chiếc, vỏ bưởi xanh, bồ công anh mỗi loại 30 gam, sắc uống.

- Đau do sa nang: Hạt bưởi, tiểu hồi hương, hạt vải mỗi loại 15 gam, sắc uống.

- Mẩn ngứa do lạnh: Vỏ bưởi 50 gam đun nước ngâm, mỗi ngày vài lần.

- Nhức đầu: Lá bưởi, hành củ lượng bằng nhau, giã nát, đắp vào thái dương.
Theo_Việt Nam Thư Quán

Ăn nhiều trái cây và rau xanh tốt cho sức khoẻ

Theo số liệu của các nhà nghiên cứu, một chế độ dinh dưỡng gồm nhiều rau, quả (thay vì nhiều chất béo bão hòa hoặc thực phẩm tinh chế) kết hợp với sự gia tăng vận động thể lực có thể giảm nguy cơ ung thư ít nhất là 30%.


rauqutunhien.blogspot.com
Trái cây và rau xanh có chứa những hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên, rất tốt cho cơ thể (phytochemicals). Đây là những hợp chất tạo nên màu sắc của trái cây và rau quả và có thể giúp cơ thể tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, đồng thời tăng cường hệ miễn nhiễm và đề kháng những vi trùng, vi khuẩn có hại.

Ngoài ra, trái cây và rau xanh cũng chứa nhiều chất kháng oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể, bằng cách triệt tiêu những gốc tự do (free radicals) có thể gây hại cho các tế bào và khiến cơ thể bị suy nhược.
Nói chung, thực phẩm càng có nhiều  màu sắc thì càng có nhiều chất bổ, ví dụ cải bó xôi tốt hơn rau diếp và khoai lang có màu sậm tốt hơn khoai lang thông thường. Cà chua và dưa hấu có màu đỏ tươi là do chứa nhiều lycopene - một chất kháng oxy hóa rất mạnh, có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim và một số bệnh ung thư.

Màu sắc của rau, của, quả: Mỗi loại rau quả đều có màu sắc khác nhau, nên chứa các dưỡng chất khác nhau. Vì thế, trong bữa ăn hàng ngày, chúng ta nên cố gắng ăn rau quả có nhiều màu sắc càng tốt.

- Màu vàng/cam: cà rốt, xoài, đu đủ, khoai lang…

- Màu đỏ: cà chua, ớt đỏ, dâu tây, quả mâm xôi…

- Màu xanh lá cây: bông cải xanh, cải bó xôi, đậu Hà Lan, kiwi…

- Màu lục/tím: dâu tím, nho, dâu tằm…

- Màu trắng: súp lơ, hành tây, tỏi, lê, khoai tây…

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Đậu Hà Lan giúp hạ đường, cholesterol trong máu

Nhiều người đang chỉ nhau cách làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu bằng cách ăn nhiều đậu Hà Lan, với lý do loại đậu này giàu chất xơ. Điều này có đúng không?
Vai trò của chất xơ
Chất xơ hiện diện trong màng tế bào thực vật. Khác với tinh bột, chất xơ không được tiêu hoá bởi men dạ dày và ruột. Thực phẩm giàu chất xơ thì ít chất béo, rất lý tưởng cho những người cần giảm cân, lại đòi hỏi thời gian nhai lâu hơn, không tiêu hoá và hấp thụ ở dạ dày làm cho người ta chóng no và no lâu, do đó mà giảm cảm giác thèm ăn.
Tuỳ theo khả năng tan trong nước, người ta chia thành chất xơ hoà tan và chất xơ không hoà tan.
Vai trò của chất xơ hoà tan: kết quả nghiên cứu của bác sĩ James W. Anderson và cộng sự cho thấy thực phẩm giàu chất xơ có nhiều khả năng ổn định đường trong máu, tăng hiệu quả của insulin. Một nghiên cứu khác trên người tình nguyện ăn nhiều bơ khiến cholesterol lên rất cao, nhưng khi thêm chất xơ vào khẩu phần thì cholesterol giảm đến 20%.
Vai trò của chất xơ không tan: chất xơ không tan có vai trò tạo khối, tăng nhu động ruột, giúp ngăn ngừa chứng táo bón, bệnh trĩ. Đồng thời xơ không tan có vai trò kiểm soát pH đường tiêu hoá, giúp ngăn ngừa vi khuẩn có hại tạo ra độc chất có thể dẫn đến ung thư đường ruột.
Nên ăn chất xơ như thế nào?
Thực vật là nguồn cung cấp chất xơ thiên nhiên, nhưng mỗi loại có hàm lượng xơ khác nhau: cao nhất trong khoai, mì, măng và ngũ cốc (gạo còn cám, đậu, bắp, lúa mì…): 0,7 – 4,5%; tiếp theo là rau xanh: 0,7 – 2,8%; trái cây chín ít xơ hơn: chỉ 0,5 – 1,3%.
Đậu hà lan khá giàu chất xơ (5,2 – 7,7% cellulose) và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, nhưng đây không phải là lựa chọn duy nhất. Nên sử dụng đa dạng thực phẩm để cơ thể được cung cấp đủ loại chất xơ và các chất dinh dưỡng cần thiết khác.
Phương pháp chế biến thực phẩm cũng làm thay đổi tính năng và tác dụng của xơ. Không nên ăn chất xơ nấu quá nhừ vì nhiệt năng sẽ chuyển phần lớn chất xơ thành dạng bột đường.
Hãy bắt đầu một ngày với khoảng 5g chất xơ hoặc nhiều hơn bằng cách thêm một trái táo hoặc vài trái nho. Ăn thực phẩm ngũ cốc toàn phần như mì sợi, bánh mì đen. Ăn nhiều đậu, đặc biệt là đậu đỏ, đậu Hà Lan khi nấu súp hoặc làm món rau trộn. Sau bữa ăn, nên tráng miệng bằng trái cây, nhất là táo, chuối, lê chứa nhiều xơ nhất. Trái cây khô, bắp rang nổ, bánh qui ngũ cốc 100% cũng là những thực phẩm giàu chất xơ tốt.
Nước ép trái cây không cung cấp nhiều chất xơ bằng trái cây cắt miếng. Xơ thiên nhiên trong rau trái tươi tốt hơn nhiều các chế phẩm chứa chất xơ.
Nhu cầu chất xơ theo tuổi
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên hàng ngày nam giới nên tiêu thụ 30g chất xơ, nữ khoảng 21g. Mỗi nước có khuyến nghị nhu cầu chất xơ khác nhau: ở Mỹ 28 – 30 g/người/ngày; Nhật Bản là 20 – 25g/người/ngày. Theo bảng nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam (2007) thì lượng chất xơ tối thiểu là 18 – 20g/người/ngày, tương đương ăn 300g rau xanh mỗi ngày.
Nhu cầu chất xơ ở người lớn tuổi nhiều hơn, do lúc này hệ thống tiêu hoá bắt đầu hoạt động chậm lại. Trên 50 tuổi, nam giới cần 38g và nữ cần ít nhất 25g chất xơ mỗi ngày. Với người trước nay ăn ít chất xơ hoặc bắt đầu chế độ ăn kiêng, nên tăng từ từ khẩu phần xơ để bộ máy tiêu hoá thích nghi dần, tránh bị khó tiêu, đầy bụng. Cần lưu ý uống thêm nước vì chất xơ có khả năng hút nước mạnh. Tuỳ nhiệt độ môi trường và tình trạng vận động của cơ thể, lượng nước cần cung cấp mỗi ngày cho cơ thể là 2 – 3 lít (bao gồm nước uống, sữa, canh, trái cây).
Theo các chuyên gia Úc, trẻ mười tuổi cần 15 – 20g chất xơ mỗi ngày. Đa số bé không thích các món giàu chất xơ do hạn chế về hương vị của nó. Nếu chế biến riêng cho bé món cơm thập cẩm chiên hoặc hấp (trong lá sen chẳng hạn) với rau củ, quả nhiều màu sắc cắt nhỏ (cà chua, dưa leo, dưa cải chua, bắp cải, rau thơm), hoặc món chả giò rau củ sẽ giúp bé ngon miệng và tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt với chất xơ.
Nhưng cho dù chất xơ được coi như món quà thiên nhiên mà thượng đế trao tặng loài người, theo cách nói của bác sĩ Denis Burkitt từ hơn 30 năm trước, nhưng một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đa dạng, phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ, cách chế biến và cách ăn uống khoa học không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khoẻ mà còn giúp cơ thể chúng ta hấp thu được những chất dinh dưỡng cần thiết khác để kéo dài tuổi xuân, tận hưởng niềm vui cuộc sống.
 
Theo SGTT