Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Kinh nghiệm trồng bầu hồ lô

Rau quả tự nhiên
Chuẩn bị bầu ương: đất tơi xốp trộn thêm Chế Phẩm Nấm Trichoderma (xử lý nấm hại rễ và kích thích mau nảy mầm), gieo hai hạt cho một bầu đất, độ sâu khoảng 2cm. Hạt nảy mầm trong vòng 2 tuần

Giàn bầu: Nên dùng các cây họ tre làm giàn, dùng dây thép căng ô vuông thì chắc chắn hơn nhưng lại làm tổn thương dây bầu nên không tốt. Các cây ngang dọc cách nhau 20cm là vừa.

Trồng: sau khi cây bầu hồ lô cao khoảng 20cm thì mang ra trồng được. Hố đất đào 60x60x60 (cm) là được. Dùng phân chuồng trộn với đất theo tỷ lệ 30 phân chuồng 70 đất. Cần nhẹ nhàng dùng dao sắc cắt bầu đất và tiến hành trồng bình thường. Nên nhớ, rễ cây bầu hồ lô rất nhạy cảm, bạn nên nhẹ tay để bầu đất không vỡ ra.

Chăm sóc: tỉa bớt nhánh phụ. Nếu bạn trồng với mục đích lấy trái làm cảnh thì để bao nhiêu trái cũng được (trái sẽ rất nhỏ nếu để cây nuôi nhiều trái), nếu bạn muốn dùng làm đồ đựng nước hoặc ăn thì nên tỉa bớt trái đi nha.

Về phần trang trí: Bạn cắt giấy đề can theo hình hoặc chữ mà bạn thích, dán lên trái bầu trong giai đoạn trái đã hết lớn, sau khi trái già đã ngả sang màu hơi vàng thì cắt trái bầu xuống, gỡ giấy đề can ra, trên trái bầu sẽ có chữ như bạn mong muốn. Nếu công phu hơn, bạn cũng dán đề can như trên, hong trái bầu trên gác bếp (nếu nhà bạn nấu củi) hoặc hun khói, sau thời gian, trái bầu sẽ ngả màu nâu hoặc đen bóng, phần chữ được dán đề can sẽ hiện rõ màu vàng nhạt.

Mình cũng nói thêm. Nếu bạn để làm kiểng, nên hái trái thật già, bởi vì trái bầu rất dễ thối phần vỏ nếu còn non.Tốt hơn hết,bạn hái trái khi màu vỏ đã chuyển sang màu vàng nhạt. Nếu bạn làm hồ lô, bạn hái trái thật già, cắt ở phần nuốm trái, khéo léo đục một lỗ sâu tận gần hết trái (nhưng cẩn thật để không lủng trái), sau đó bạn đổ nước vào lỗ và mang vào chố râm mát. Cứ khoảng 1 tuần bạn lại đổ nước đi và thay nước mới vào. Sau thời gian khoảng 1 tháng, bạn sẽ có trái bầu rỗng đựng nước được.

Kỹ thuật trồng bí xanh an toàn

rau quả tự nhiên
Bí xanh còn gọi là bí đao, bí phấn, bí trắng là loại rau mùa hè. Ngoài giá trị nấu nướng, quả bí xanh còn là nguyên liệu tốt cho thực phẩm bánh kẹo. Do đó lớp vỏ dày, cứng, hàm lượng nước thấp, bí xanh có khả năng vận chuyển và bảo quản tốt, là loại rau dự trữ cho thời kỳ giáp vụ và cho các vùng khan hiếm rau.
Thời vụ: Vụ chính gieo trồng từ tháng 12 đến đầu tháng 3. Tốt nhất từ tháng 1 đến trung tuần tháng 2.

Vụ đông: Gieo trồng cuối tháng 9, đầu tháng 10 tuy năng suất không cao bằng chính vụ nhưng bán được giá cho hiệu quả kinh tế cao. Ở vụ chính, lúc nhiệt độ thấp, cần ủ hạt nứt nanh rồi mới gieo.

Kỹ thuật trồng: Ngâm hạt trong nước lã từ 4-6 giờ, đãi sạch. Gói trong túi vải xô trộn lẫn cát tỷ lệ 1 hạt/3-4 cát, ủ ấm trong nhiệt độ 25-30oC ngày dấp nước 2 lần khoảng 2-3 ngày hạt nứt nanh đem gieo thẳng hoặc gieo trong khay nhựa, vỉ xốp, bầu nilon.

- Làm đất bón phân, gieo hạt: Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu. Cách ly khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện từ 1-2km, với chất thải thành phố, thị xã ít nhất 200m, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100m. Không tồn dư hoá chất độc hại, dư lượng kim loại nặng rất nhỏ.

- Bí xanh có thể trồng xen, trồng riêng biệt, do vậy cách làm đất có khác nhau. Nếu trồng xen (gối sau rau đông xuân), khi cây trồng trước sắp thu hoạch thì tiến hành gieo bí xanh. Khi thu hoạch cây trồng trước bí đã có 3-4 lá thật thì làm đất bổ sung lên thành luống bí chính thức, kích thước luống bí phụ thuộc vào việc làm giàn cho cây. Nếu có giàn, làm luống rộng 1,2-1,4m, nếu để cây bò trên đất mặt luống rộng 2,7-3m. Lượng phân bón cho 1 sào bí xanh như sau: (360m2): Phân chuồng hoai mục: 6-7 tạ; đạm urê: 6-8kg; Kaliclorua: 5-6kg; Supelân: 12-15kg; đất chua (pH<6) cần bón 20-25kg vôi cục cho 1 sào khi bừa ngả (độ pH thích hợp cho bí 7-8).

- Toàn bộ phân chuồng, phân lân + 50% kali + 25% đạm dùng bón lót khi gieo hạt hoặc cấy giống (gieo hạt hoặc cấy cây con cách phân 10-15cm). Trồng 1 hàng ở giữa luống. Nếu làm giàn mỗi hốc gieo 3 hạt hoặc cấy hai cây (sau để 2 cây/hốc). Nếu không làm giàn mỗi hốc gieo 4-5 hạt hoặc cấy 4 cây (sau để 4 cây quay ra 4 hướng). Khi dùng màng phủ nông nghiệp chú ý để màu ánh bạc lên phía trên, các loại phân đều bón lót hết. Dùng ống bơ sữa (loại 397g) cắt hình răng cưa chụp lỗ (rộng 8-10cm) sau đó gieo hạt hoặc cấy cây giống vào đó.

Chăm sóc: Khi cây có 2 lá thật, xới phá váng, kết hợp bón thúc bằng pha phân đạm loãng 3-5% (25% đạm) tưới rồi vun nhẹ cho cây. Bón thúc lần 2 cây có 5-6 lá thật, xới rộng, sâu kết hợp bón thúc 25% đạm + 25% kali cho cây. Bón thúc lần 3 khi chuẩn bị làm giàn bón nốt lượng phân còn lại. Đối với bí không làm giàn, không che màng phủ nông nghiệp, xới xáo toàn bộ mặt luống, làm cỏ, bón thúc hết phân hoá học, tưới đẫm rồi trải rạ. Khi cây bí dài 1m trở lên thì cho leo giàn. Khi dây dài 50cm, dùng đất chặn ngang đốt, cách 1-2 đốt lại chặn để tranh thủ cho cây bí ra rễ bất định, tăng khả năng thu hút chất dinh dưỡng nuôi quả sau này, cứ 3-4 ngày lại chặn 1 lần, phải hướng ngọn bí ở hốc này bò sang hốc kia, sau đó mới nương dây cho leo giàn. Khi dây leo cần để dây ở tư thế tự nhiên, không lật úp hoặc vặn dây. Dùng rơm rạ, dây chuối buộc ngọn vào giàn. Chú ý buộc ở phía nách lá. Bắt dây chéo chữ chi cho đều giàn và khỏi che rợp hoa quả. Giàn cắm chéo như mái nhà để tranh thủ không gian, tận dụng hợp lý ánh sáng. Mỗi cây để 2-3 nhánh chính, mỗi nhánh để 2-3 quả. Đặt cho cuống quả nằm đúng vào chỗ giao nhau của 2 cây dóc để khi quả lớn không xô dây, tụt giàn.

Cần sử dụng nước sạch như nước giếng khoan, ao hồ, sông ngòi chưa bị ô nhiễm tưới cho cây bí an toàn. Từ cây con đến ra hoa bí cần độ ẩm 60-70%. Từ ra hoa đến kết quả cần độ ẩm 70-80%.
(Theo báo Nông nghiệp)

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Kỹ thuật trồng bí đỏ


Kỹ thuật trồng bí đỏ
Bí ngô đỏ
  Thuận lợi:
   - Đất trồng: Không kén đất, tương tự bí đao.
   - Giống trồng: Hiện nay có nhiều giống bí đỏ lai chất lượng ngon  như giống của các công ty  Đông Tây, Trang Nông, Cty CP Giống CT Miền Nam,…
  - Không cần trồng giàn, không cần nhiều công như trồng nhiều cây khác, đầu tư thấp hơn những cây khác.
  - Sử dụng: Có thể lấy trái kết hợp lấy ngọn và hoa (món ăn đặc sản). Ít có khả năng bị ngộ độc do thuốc trừ sâu.
 

Khó khăn:
Bí đỏ chịu hạn tốt, không chịu được ngập úng, do vậy phải chuẩn bị hệ thống thoát nước nội đồng tốt. Cần chuẩn bị đủ nguồn nước tưới để cây cho năng suất cao.
Kỹ thuật canh tác:
1. Thời vụ: Có thể trồng được quanh năm.
2. Mật độ khoảng cách: Liếp rộng 3 - 3,5 m (trồng 1 hàng), hoặc 6  - 7 m (trồng 2 hàng), cây cách cây trên hàng 50 - 80 cm (tùy theo giống). Mùa mưa nên làm rãnh sâu giữa 2 liếp và làm mương thoát quanh ruộng để nước thoát đi dễ dàng sau mỗi cơn mưa.
3. Giống: Có thể sử dụng của các công ty giống: Tân Đông Tây, Trang Nông, Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam. Lượng giống cần cho 1 ha là 600 - 800g (tùy theo giống và độ nẩy mầm của hạt).
4. Phân bón:
* Lượng phân bón cho 1 ha:
Phân chuồng: 30 tấn
Supe lân / lân vi sinh: 300 - 500 kg.
NPK: 400 kg
Urê: 120 kg
Kali: 150 kg
- Bón lót: Bón 2/3 phân chuồng + toàn bộ lân.
- Bón thúc: Có thể chia đều lượng phân  còn lại thành 4 - 5 lần tùy theo mùa vụ và chân đất (mùa mưa và chân đất thịt nhẹ: bón nhiều lần). Nên bón vùi phân vào đất để phân không bị bốc hơi, rửa trôi.
5. Chăm sóc:
- Trồng dặm: Sau khi cấy 7 ngày, kiểm tra ruộng và dặm những cây chết vào buổi chiều mát, trồng xong tưới nước ngay để tránh cây bị héo.
- Đôn dây: Khi dây bí dài >1,5 m, tiến hành đôn dây bí bằng cách khoanh dây bí quanh gốc, tỉa bớt lá chân, lấp gốc bằng lượng phân bò hoai còn lại, cách này giúp cho rễ bất định phát triển, dây bí cho trái bền. Khi bí bắt đầu ra hoa thì ngưng đôn dây.
- Sửa dây cho dây bí phân bố đều không chồng lấp lên nhau cho ruộng bí thông thoáng, đậu trái tốt.
Kết hợp sửa dây với tỉa nhánh gốc và nhánh nhỏ, lá già, sâu bệnh giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Với bí đỏ có thể kết hợp tỉa nhánh và bong bí đực sau khi đậu trái dung làm rau.
- Thụ phấn bổ sung: Vào mùa mưa, trời âm u, ít  nắng hoặc dây phát triển quá mạnh làm hạn chế sự đậu trái, ta có thể thụ phấn bổ sung giúp bí đậu trái tốt bằng cách sau: Khoảng 7 - 9 giờ sáng, hái những hoa bí đực mới nở úp vào những nụ bí cái mới nở để giúp hoa tăng cường thụ phấn.
- Kê trái: Trong mùa mưa để giúp cho trái bí không tiếp xúc với đất ẩm lâu ngày dễ gây thối trái, có thể kê trái lên cao khỏi mặt đất.
- Làm cỏ kết hợp với các lần bón phân.
6. Phòng trừ sâu bệnh: Một số sâu bệnh hại chính trên bí đỏ:
- Sâu đất, tuyến trùng: Xử lý đất trước khi trồng bằng Basudin 10H lên hốc gieo, hoặc sau khi cấy rải quanh gốc.
- Sâu xanh: Sherpa, Cyperan, Sumicidin, Delphin… phun khi sâu tuổi còn nhỏ, kết hợp diệt sâu và trứng bằng tay.
- Nhóm chích hút : Bọ trĩ, rầy xanh, nhện : Sagomycin, Actara, Confidor, Supracide, Mospilan, SK99, Bascide, Fenbis theo nồng độ khuyến cáo.
- Sâu vẽ bùa: Neem, Ofunack, Triggard, SK99, Fenbis, Sagosuper, Dragon vào lúc sáng sớm.
- Bệnh sương mai: Mancozeb, Carbendazim, Dipomate, Carbenzim, Mexyl MZ phun sớm khi bệnh vừa mới xuất hiện.
Chú ý, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” và có thời gian cách ly an toàn.
7. Thu hoạch: Khoảng  90 - 100 ngày sau khi gieo là có thể thu hoạch. Mỗi ngày thu 1 lần, độ lớn trái tùy thị trường và giống. Nếu chăm sóc tốt, đất trồng tốt, làm giàn cao và đầu tư đúng mức thì thời gian thu hoạch sẽ kéo dài.
Mộc Hoa Lê (sưu tầm)

Gợi ý các món với rau xanh

Rau mùng tơi có thể đem nấu bột (cháo) cùng lươn.

Lươn mua về bóp sạch với giấm, muối. Sau đó, luộc chín, gỡ lấy thịt lươn. Tiếp đến, rồi đem xào kỹ, xay nhỏ để nấu bột (cháo) cho bé cùng với rau mùng tơi băm nhỏ.

Hoặc có thể chọn cách đem nướng lươn cho đến chín, bóc bỏ da, ruột, chỉ lọc lấy phần thịt lươn để nấu cháo cho bé. Ngoài nấu với rau mùng tơi, có thể nấu bột (cháo) lươn cùng rau ngót.

- Canh rau ngót nấu với thịt nạc băm là món ngon phổ biến cho bé ăn cơm. Ngoài thịt nạc băm, có thể đổi món nấu canh rau ngót với giò băm, thêm ít nấm rơm tạo thành món ăn cho bé ngon miệng.
 
Image  - Soup bí ngô, súp lơ xanh lý tưởng cho bé 6-9 tháng. Trộn những miếng bí đỏ với dầu olive rồi đem nướng cho đến khi bí chín mềm. Với súp lơ xanh, có thể cho vào nồi hấp cách thủy. Khi cả bí và súp lơ chín, đem vào máy xay nhuyễn hay lợn cợn, đặc hay lỏng hơn một chút là tùy khẩu vị, độ tuổi của bé. Hỗn hợp xay xong là tạo thành món soup rau bổ dưỡng, ngon miệng dành cho bé.

- Đậu Hà Lan có thể đem nấu soup cùng trứng gà. Món ăn cần có nước dùng, bột đao, dầu ăn, ít gia vị. Nấu sôi nước dùng, cho đậu Hà Lan vào, đun nhỏ lửa cho đến khi đậu bở. Cho ít hạt nêm vào bột đao hòa cùng nước, lòng đỏ trứng đánh đều ở một bát khác. Cho cả hai thứ vào nồi, khuấy đều tay. Cuối cùng, cho ít dầu ăn vào nồi soup trước khi bắc ra và để bé thưởng thức.

- Bắp cải ninh cùng carrot, khoai tây trong nước hầm xương làm món canh cho bé.

- Bí xanh, súp lơ xanh đem hấp (luộc) chín, cắt dạng hạt lựu cho bé ăn bốc. Với bé lớn hơn thì đây là những món rau luộc cho bé tập ăn cơm.

- Bí đỏ, khoai lang, các loại đậu đỗ (đỗ xanh chẳng hạn) xay thành bột đem nấu bột ngọt cho bé (dành cho bé tập ăn dặm, lúc 6 tháng tuổi). Thêm Sữa bột hoặc Sữa mẹ vào món bột này để tăng độ thơm ngon cho món ăn, lại giúp bé đủ dinh dưỡng.
 
Theo M&B

Bí quyết bảo quản trái cây và rau xanh

Những mẹo vặt dưới đây sẽ giúp bạn bảo quản các loại trái cây và rau xanh luôn tươi ngon.


Trái cây
1. Táo

Nếu bảo quản táo trong tủ lạnh, bạn có thể giữ được độ giòn của chúng trong vòng từ ba đến bốn tuần. Bảo quản táo bên ngoài, ở những nơi mát và khô có thể giữ táo tươi trong khoảng một tuần.

Bí quyết: Khi để táo trong tủ lạnh, nên cho chúng vào túi ny-lon. Táo thải ra khí ethylene, một loại khí gas tự nhiên có thể làm cho rau diếp và một số loại thực phẩm tươi khác nhanh hỏng. Chiếc túi ny-lon sẽ giúp bạn phòng ngừa vấn đề này.
2. Bơ

Hãy để bơ ở nhiệt độ bình thường khoảng một tuần cho đến khi chúng chín hoàn toàn. Khi bơ đã mềm đều, bạn cho chúng vào tủ lạnh để giữ được độ tươi ngon thêm một tuần nữa.

Bí quyết: Bạn có thể làm cho bơ chín nhanh hơn bằng cách cho chúng vào túi giấy cùng với một quả chuối. Khí ethylene do chuối thải ra sẽ giúp cho bơ chín trong vòng một ngày.
3. Dâu

Nếu để lạnh, các loại dâu sẽ tươi trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, thời gian bảo quản còn tùy thuộc vào loại dâu.

Bí quyết: Dâu là một trong những loại trái cây dễ hỏng nhất vì lớp vỏ của chúng khá mỏng manh. Nếu rửa sạch và để trên quầy bếp, dâu có thể bị thối và lên mốc chỉ trong vài giờ. Chính vì vậy, đừng rửa dâu cho đến khi bạn có nhu cầu sử dụng chúng. Phần bụi bao xung quanh lớp vỏ của các loại dâu được gọi là lớp phấn, một lớp chất bảo quản tự nhiên có tác dụng giữ cho dâu tươi lâu. Khi rửa các loại trái cây hoặc rau xanh, lớp phấn tự nhiên này cũng bị trôi. Điều này sẽ làm cho chúng chín nhanh hơn.
4. Các loại trái cây có họ cam, quít

Tủ lạnh sẽ giúp bảo quản các loại trái thuộc họ cam, quít tươi trong hai tuần. Ở nhiệt độ bình thường, chúng có thể tươi trong vòng từ bảy ngày đến một tuần. Nhờ có lớp vỏ dày, các loại trái thuộc họ cam, quít có tuổi thọ lâu hơn so với các loại trái cây khác.
5. Nho

Sau khi cho nho vào túi nhựa và bảo quản lạnh, bạn có thể giữ được chúng trong vòng hai tuần. Tương tự như dâu, nho cũng có lớp phấn bên ngoài, do đó, không nên rửa nho cho đến khi bạn đã sẵn sàng sử dụng.
6. Lê

Ở nhiệt độ bình thường trong phòng, những trái lê chưa chín sẽ tươi trong khoảng 5 ngày. Khi đã chín, bạn cho chúng vào tủ lạnh để giữ thêm được một tuần.

Bí quyết: Kiểm tra độ chín của lê bằng cách ấn nhẹ vào phần “cổ” bên phải gần cuống lê. Nếu  hơi mềm tức là lê đã chín. Cho lê vào túi giấy cũng giúp chúng chín nhanh hơn.
7. Lựu

Nếu cho vào tủ lạnh, lựu sẽ tươi trong vòng từ hai đến ba tuần, tùy thuộc vào mức độ chín của chúng.
8. Cà chua
 
Cà chua nếu được bảo quản ở nơi thoáng mát và khô sẽ dùng được trong vòng một tuần cho đến khi chúng tỏa mùi thơm và mềm đi. Không nên cho cà chua vào tủ lạnh vì chúng có thể bị đông cứng (do hàm lượng nước nhiều) và bị giảm sút mùi vị.

Bí quyết: Không cho cà chua vào túi nhựa vì khí ethylene do cà chua thải ra sẽ làm chúng nhanh chín và hỏng.
Rau xanh
1. Ớt chuông

Bạn có thể cho ớt chuông vào tủ lạnh để giữ chúng tươi trong hai tuần hoặc để ở nhiệt độ bên ngoài trong khoảng một tuần.
2. Bông cải xanh và bông cải trắng

Dùng giấy bọc bông cải xanh và trắng lại rồi cho chúng vào tủ lạnh dùng dần trong vòng ba đến năm ngày. Nên sử dụng bông cải trước khi phần hoa của chúng bắt đầu bị sẫm màu lại.
3. Các loại rau xanh (rau diếp, rau bi-na…)
Tất cả các loại rau rậm lá đều cần được bảo quản trong tủ lạnh và có thể bảo quản được từ ba đến bảy ngày. Hãy rửa sạch, bọc chúng hơi lỏng bằng khăn giấy (để hút hết lượng nước còn đọng trên lá, tránh cho rau bị thối) rồi mới cho chúng vào túi nhựa và cho vào tủ lạnh.


Bí quyết: Nên giữ nguyên hình dạng của rau diếp vì nếu bạn cắt bỏ phần gốc, bạn sẽ cắt luôn cả những lỗ thoát hơi nằm ở khu vực này. Điều đó sẽ khiến cho khí ethylene phát ra nhiều hơn, làm rau nhanh hỏng.
4. Nấm

Đối với các loại nấm, bạn nên giữ chúng trong bao bì khi cho vào tủ lạnh và dùng trong vòng từ năm đến bảy ngày. Giống như các loại rau khác, nấm sẽ nhanh hỏng hơn nếu bạn thái lát chúng trước khi bảo quản lạnh.
5. Các loại rau củ (hành, khoai tây…)
Cách bảo quản lý tưởng nhất đối với các loại rau củ là để chúng trong rổ và đặt ở nơi khô mát, tránh xa bếp lò. Trong khi phần lớn các loại rau củ đều có “tuổi thọ” kéo dài khoảng một tháng thì khoai tây bi chỉ có thể giữ được trong vòng mười ngày.

Bí quyết: Ánh sáng sẽ làm cho các loại rau củ mọc mầm, do đó, cần giữ chúng ở nơi tối, tránh ánh sáng.
(Theo Phụ Nữ)

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

90% người dùng Việt không biết phân biệt rau an toàn



90% người dùng Việt không biết phân biệt rau an toàn
Phân biệt rau quả tự nhiên
Kết quả điều tra ý kiến người tiêu dùng về rau an toàn và rau hữu cơ thực hiện tại 6 tỉnh miền Bắc cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng biết rằng sử dụng rau an toàn sẽ tốt cho sức khỏe, nhưng ngược lại có đến hơn 90% không thể phân biệt rau an toàn bằng mắt thường.
Thông tin trên được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) cho biết tại ngày hội Rau an toàn, được tổ chức vào ngày 25/3 tại Hà Nội.

Theo Vinastas, cuộc điều tra đã được tiến hành vào tháng 11/2011 về Nhận thức của người tiêu dùng đối với rau an toàn, tại 6 tỉnh phía Bắc.

Qua điều tra cho thấy gần 90% câu trả lời đều đánh giá là quan trọng nhất trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Và đa số người tiêu dùng đều chấp nhận mua rau an toàn với mức giá cao hơn rau thông thường từ 10% - 20% thâm chí đến 50%.

Tuy đa số nữ giới tại các tỉnh được điều tra là người chịu trách nhiệm chính, trong việc mua thực phẩm cho gia đình với tần suất mua hàng ngày (chiếm 61%), nhưng một số lượng không nhỏ nam giới trong cuộc điều tra cũng làm công việc này thường xuyên.

Tiêu biểu tại Vĩnh Phúc, số lượng nam giới đi chợ mua thực phẩm cho gia đình chiếm đến 24%. Ngạc nhiên là tại Hà Nội, nơi được đánh giá có dân trí và sự bình đẳng giới cao thì tỷ lệ nam tham gia việc mua thực phẩm cho gia đình có số lượng thấp ( 5% ) hơn so với 5 tỉnh còn lại.

100% người tiêu dùng đều muốn mỗi sản phẩm rau đều có chứng nhận xuất xứ và cam kết từ nhà cung cấp hay vùng sản xuất. Ngoài ra, họ đều đồng ý rằng rau an toàn phải có đầy đủ bao bì và thông tin trên bao bì.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra có khoảng 14% người tiêu dùng cho biết họ đã mua, sử dụng rau an toàn; 22% người tiêu dùng tại Hà Nội không biết rau an toàn là gì.
Ngoài ra, 11% người được hỏi tại Hải Dương cho biết rau có chứng nhận mới là rau an toàn. Tỷ lệ người nhận thức được điều này cao nhất tại Hà Nội (27%), thấp nhất tại Hải Phòng (10%). Tuy nhiên đa số người tiêu dùng lại không biết tin tưởng vào loại chứng nhận nào.
Dưới 5% người được hỏi cho rằng họ biết/ nhận diện được chứng nhận cùng đảm bảo của bên thứ ba (PGS), còn lại hơn 95% người được hỏi chưa biết gì đến loại chứng nhận này.

Được biết, chứng nhận của VietGap và chứng nhận từ các cơ quan nhà nước được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất, tại Vĩnh Phúc tỷ lệ nhận biết được chứng nhận của VietGAP chiếm hơn 40%. Tại Hà Nội, có một phần nhỏ người tiêu dùng biết đến những chứng nhận khác như của Viện Nông nghiệp Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn…


Yến Nhi - (tin, ảnh)