Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Cây hành lá

Hành lá (Tên khoa học: Allium fistulosum sp. Họ hành tỏi: Liliaceae) là loại gia vị, không thể thiếu trong các bửa ăn hàng ngày, mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hành thân thảo, cây sống lâu năm, có mùi đặc biệt. Có 5-6 lá, lá hình trụ rỗng, dài 30-50 cm, phía gốc lá phình to, trên đầu thuôn nhọn. Hoa tự mọc trên ống hình trụ, rỗng. Hoa tự dạng hình xim, có ngấn thành hình tán giả trông tựa hình cầu. Quả nang, tròn. Hành được trồng khắp nơi, chủ yếu là làm gia vị. Đồng thời hành cũng là một vị thuốc nam được dùng để chữa nhiều loại bệnh: thuốc ho, trừ đờm, lợi tiểu, sát trùng...
Kỹ thuật chọn giống
- Sử dụng giống địa phương, có hai loại gốc thân trắng và gốc thân đỏ có đặc điểm sinh trưởng tương đương nhau, thời gian sinh trưởng 42-50 ngày.
+ Hành Hương: lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm, năng suất 1 tấn/1.000 m2, dễ nhiễm bệnh vàng lá.
+ Hành Trâu: lá to, bụi lớn, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, thị trường rất ưa chuộng.
+ Hành Đá: lá, bụi thuộc dạng trung gian, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, trồng phổ biến, thị trường rất ưa chuộng, thích hợp trồng dày.
- Chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.
- Lượng giống: tùy chất lượng cây giống, thường cần khoảng 180-240 kg hành giống/1000 m2
- Xử lý giống: để đảm bảo không còn sâu bệnh lây lan sang vụ tới, trước khi nhổ hành giống 1-2 ngày, tiến hành phun Regent 800WP hoặc Map-permethrins 50EC, nếu sâu nhiều có thể xử lý bằng Secure 10EC theo nồng độ khuyến cáo
Thời vụ trồng và yêu cầu về chuẩn bị đất

* Thời vụ: Hành lá có thể được trồng quang năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn vào mùa mưa. Thời gian sinh trưởng 45-50 ngày. Trồng hành trong mùa nắng chú ý sâu xanh da láng, mùa mưa thì bệnh khô đầu lá.
* Chuẩn bị đất
- Yêu cầu: đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6,0-6,5, nếu pH thấp hơn 5,0 cần bón thêm vôi và tro bếp.
- Đất trồng hành cần được phơi ải. Kỹ thuật lên liếp hành thay đổi tùy chân đất và tập quán canh tác. Lên liếp vồng cao 35-45 cm, chân liếp rộng 1 m, khoảng cách giữa hai liếp là 30 cm để thoát nước và đi lại chăm sóc.
Lên liếp và tủ rơm trước khi trồng hành
Khoảng cách trồng hành 20 x10 cm
- Xử lý đất: tiến hành xử lý đất ở 3 ngày trước trồng, sử dụng 1 kg Mocap/1000 m2. Rải thuốc lên liếp rồi đảo đều lớp đất mặt.
- Tủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng
* Khoảng cách trồng:
Hàng cách hàng x cây cách cây: 20 x 10 cm
Kỹ thuật bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
* Phân bón
Tổng lượng phân dùng cho 1.000 m2: phân chuồng hoai 1-2 tấn + 30 kg tro + 12,5 kg urea, 28 kg super lân, 8 kg kali.
Dạng phân có thể sử dụng Urea, DAP, NPK, có thể tăng cường sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng (muối borat), chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá. Trong trường hợp hành sinh trưởng xấu có thể dùng Super hume để phun lên hành.
Bón lót: 1-2 tấn phân chuồng hoai + 30 kg tro + 28 kg super lân + 5 kg kali
Bón thúc:
- Nguyên tắc bón phân thúc: hòa nước, tưới bằng thùng vòi hoa sen. Tưới phân đầu tiên khi hành hồi xanh (khoảng 7 ngày sau trồng), 7 ngày tưới phân 1 lần (khoảng 4-5 lần/vụ) tùy theo sinh trưởng của hành và tùy theo mùa vụ. Thời gian cách ly là 10 ngày trước khi thu hoạch.
Có thể sử dụng khuyến cáo sau (nếu sử dụng khuyến cáo này thì không bón lót phân lân):
+ Lần 1 (7 NST): 4,5 kg urea
+ Lần 2 (14 NST): 14 kg DAP + 1,5 kg KCl
+ Lần 3 (21 NST): 19 kg NPK 16-16-8 + 1,5 kg KCl
+ Lần 4 (28 NST): 17 kg DAP + 2,5 kg KCl
+ Lần 5 (nếu có, 35 NST): 4,5 kg urea
- Phân bón lá và vi lượng (nếu có) có thể phun kết hợp khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến cáo không nên lạm dụng các chất điều hòa tăng trưởng (ProGib,..) dễ dẫn đến hiện tượng rã bẹ, cây vóng, yếu. Có thể sử dụng chế phẩm EM hoặc Crop-master cho hành lá. Nếu dùng Super hume phun 3 lần (lần 2, 4, 5) thì có thể giảm 1/3 lượng đạm dùng cho hành và hạn chế hiện tượng vàng lá, tăng sức đề kháng cho hành.
* Chăm sóc
- Chú ý làm cỏ kịp thời, không để cỏ chụp hành
- Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt.
Tưới phun cho hành lá; Giữ mực nước tưới thấm trong rảnh hành lá
- Để tận dụng và tăng hiệu quả sử dụng đất, có thể trồng xen ngò rí, cải xanh hoặc cải ngọt quanh mép liếp.
Cải xanh được trồng xung mép liếp hành lá; Ngò Rí trồng xen với hành lá
* Phòng trừ sâu bệnh:
- Các đối tượng sâu bệnh hại chính: sâu xanh da láng Spodoptera exigua (xuất hiện rất sớm và gây hại đến cuối vụ), dòi đục lá (xuất hiện muộn), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), bù lạch (Thrips tabaci), bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ, bệnh đốm tím Alternaria pori...
- Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng, kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.
- Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học, sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học, lưu ý dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, ưu tiên sử dụng các thuốc vi sinh, điều hòa sinh trưởng, gốc cúc tổng hợp. Bắt đầu phun khi có sâu hại. Đảm bảo thời cách ly 7-10 ngày.
- Khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu xanh da láng hại hành lá thì không thể dùng một loại thuốc cho mỗi lần phun mà phải dùng hỗn hợp theo khuyến cáo sau (thường phun kết hợp trừ sâu xanh da láng và các đối tượng khác).
+ Lần 1: Atabron 5EC
+ Lần 2: Cascade 5EC + Mimic 20F
+ Lần 3: Dipel 3.2WP + Cascade 5EC
+ Lần 4: Mimic 20F + SeNPV
+ Lần 5: Dipel 3.2 WP + SeNPV
- Không sử dụng Furadan 3H trên hành lá và hạn chế sử dụng Padan.
- Nếu có bệnh đốm tím, bệnh khô đầu lá thì dùng Antracol 50WP, Dithan M45.
 Phương pháp thu hoạch
Tiến hành thu họach khi hành đủ tuổi (42-45 ngày sau trồng) tùy tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Trường hợp hành xấu có thể lưu thêm và ngày, nhưng không nên kéo dài quá. Hành lá khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nguồn: Theo TT Tin học thống kê - Bộ Nông nghiệ
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét