Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Rau xanh giúp giảm axit dư thừa trong cơ thể


rauquatunhien.blogspot.com

Trái cây và rau xanh được coi là món quà quý giá mà Mẹ Thiên nhiên ban tặng cho con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà rau quả được đứng đầu trong danh sách các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Rau quả chứa hàng trăm các chất dinh dưỡng khác nhau, trong đó có nhiều dưỡng chất thiết yếu cho hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, có một lợi ích của rau quả mà không hẳn ai ai trong chúng ta cũng biết đến, đó là tác dụng chống lại sự dư thừa axit trong cơ thể.

Có thể từ trước đến nay con người chỉ quan tâm đến năng lượng, thành phần dinh dưỡng cơ bản của các loại thực phẩm mà không biết rằng một số loại có thể gây ra dư thừa axit trong cơ thể hay còn gọi là nhiễm toan. Ăn quá nhiều thịt, các loại nước ngọt, cà phê, đồ ăn nhanh, trái cây đóng hộp… là nguyên nhân gây ra nhiễm toan. Với các triệu chứng khác nhau, từ ợ chua, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, căng thẳng… lâu hơn có thể gây một số các biểu hiện khác như: mụn nhọt, da khô, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, nước tiểu sậm màu… cuối cùng là sinh ra hàng loạt các bệnh nghiêm trọng như bệnh dạ dày, khớp, gout, ung thư, sỏi thận, loãng xương, lão hóa, tổn hại gan, thận… Tuy nhiên, nhiễm toan hiếm khi được chuẩn đoán hoặc được đề cập đến trong y học chính thống.

Để đảm bảo mọi hoạt động bình thường của các bộ phận trong cơ thể, pH máu phải đảm bảo cân bằng (pH = 7, 35 ÷ 7,45), pH lý tưởng nhất là 7,43. Ngoài mức pH này đều gây hại cho cơ thể, đặc biệt đối với trường hợp nhiễm toan bởi nó gây trở ngại cho chức năng tế bào trong khắp cơ thể. Ví dụ điển hình là môi trường axit dẫn đến việc sản xuất ra các tế bào bạch cầu kém chất lượng, hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu, cơ thể dễ bị viêm nhiễm… Khi cơ thể bị nhiễm toan, trong một nỗ lực để duy trì mức pH bình thường, cơ thể sẽ huy động những chất kiềm như canxi, natri, kali… để vô hiệu hóa các axit dư thừa này. Cơ thể có thể sẽ phải huy động nguồn dự trữ canxi ở xương, xương bị lấy mất canxi gây loãng xương.

Như vậy, để giải quyết những vấn đề do nhiễm toan gây ra, thì cách thức tốt nhất, đơn giản nhất là thay đổi chế độ ăn cung cấp nhiều chất kiềm hơn. Theo các nhà khoa học chế độ 80% thực phẩm kiềm và 20% thực phẩm axit sau một tuần đã có thể cải thiện tình trạng nhiễm toan. Điều này có nghĩa là nên ăn nhiều rau quả hơn, vì đó một số loại quả và hầu hết các loại rau xanh là nguồn thực phẩm cung cấp ion kiềm tự nhiên nhiều nhất, giúp nhanh chóng cải thiện tình hình nhiễm toan. Điều đáng ngạc nhiên là cà chua và trái cây họ cam quýt cũng có tác động kiềm hóa. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể ăn các loại quả này mà không lo chúng làm tăng mức axit trong cơ thể.


Nếu lo lắng xem bản thân mình có bị nhiễm toan không? Bạn có thể dễ dàng kiểm tra bằng cách: dùng giấy quỳ đo pH của nước bọt và nước tiểu, để chắc chắn bạn có thể kiểm tra lại lần nữa pH nước tiểu ở lần đi tiểu tiếp theo; nếu pH ≤6,5 có nghĩa bạn đã bị nhiễm toan. Vậy thì hãy khẩn trương thay đổi chế độ ăn của mình đi nhé, tăng cường ăn các loại rau xanh. Sau 7 – 10 ngày, hãy kiểm tra lại nước tiểu xem, nếu pH khoảng 7,43 nghĩa là ổn rồi đây. Tiếp tục duy trì mức pH đó bằng chế độ ăn hợp lý và nhiều rau quả. Hãy nhớ: rau quả là món quà tuyệt vời mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.
Theo: angi.com.vn

Vai trò quan trọng của rau tươi trong dinh dưỡng


Trong ăn uống hàng ngày, rau tươi có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy lượng prô-tít và li-pít trong rau tươi không đáng kể, nhưng chúng có giá trị lớn vì cung cấp cho cơ thể nhiều chất có hoạt tính sinh học, đặc biệt là các muối khoáng có tính chất kiềm, các vi-ta-min, các chất pec-tin, acid hữu cơ. Ngoài ra trong rau tươi còn có các loại đường tan trong nước và chất xen-luy-lô-gia.
Ảnh minh họa       (Ảnh ITN)

Một đặc tính sinh lí quan trọng của rau tươi là chúng có khả năng gây thèm ăn và ảnh hưởng tới chức phận tiết của các tuyến tiêu hoá. Tác dụng này đặc biệt rõ rệt ở các loại rau có tính dầu như rau mùi, rau thơm, hành, tỏi... Chúng gây tiết dịch vị mạnh hơn cả các loại nước xúp.
Ăn rau tươi phối hợp với những thức ăn nhiều prô-tít, li-pít, glu-xít làm tăng rõ rệt sự tiết dịch của dạ dày. Thí dụ: trong chế độ ăn rau và prô-tít lượng dịch vị tiết ra tăng gần hai lần so với chế độ ăn protid không. Cũng vì vậy bữa ăn có rau tươi tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiêu hoá và hấp thu các thành phần dinh dưỡng khác.
Rau tươi là nguồn vi-ta-min và muối khoáng quan trọng. Nhu cầu về vi-ta-min và muối khoáng của con người được cung cấp qua bữa ăn hằng ngày chủ yếu do rau tươi. Hầu hết các loại rau thường dùng của nhân dân ta đều giàu vi-ta-min, nhất là vi-ta-min A và C là những vi-ta-min hầu như không có hoặc chỉ có rất ít trong thức ăn động vật.
Các chất khoáng trong rau tươi cũng rất sẵn. Trong rau có nhiều chất khoáng có tính kiềm như ka-li, can-xi, ma-giê. Chúng giữ vai trò quan trọng trong cơ thể và cần thiết để duy trì kiềm toan. Ngoài ra, rau còn là nguồn chất sắt quý. Sắt trong rau được cơ thể hấp thu tốt hơn sắt ở các hợp chất vô cơ. Các loại rau đậu, sà lách là nguồn măng-gan tốt.
Chú ý bảo đảm an toàn khi ăn rau
Rau tươi có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng; bữa ăn hằng ngày của chúng ta không thể thiếu rau tục ngữ có câu: “Cơm không rau như đau không thuốc” Điều quan trọng là phải bảo đảm rau sạch, không có vi khuẩn gây bệnh và các hoá chất độc nguy hiểm.
Rau sạch hay rau an toàn là loại rau được sản xuất theo quy trình kĩ thuật đạt tiêu chuẩn hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích... nhằm làm giảm tối đa lượng chất độc tồn đọng trong rau như ni-trát, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và những vi sinh vật gây bệnh. Muốn vậy các nhà trồng rau phải tôn trọng nhiều nguyên tắc nghiêm ngặt, từ việc chọn đất trồng rau, tưới bón, đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thời gian thu hoạch sau khi bón phân hoặc phun thuốc.v.v... Đối với những loại rau nhập khẩu vào không qua kiểm dịch, không rõ được trồng trọt ra sao, có các hoá chất độc hại và các vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm hay không ta phải cảnh giác. Rau, củ mua về ta phải rửa thật sạch, tốt nhất là rửa từng lá rau dưới vòi nước chảy nhiều lần để vi khuẩn, trứng giun và hoá chất còn bám trên thực phẩm trôi đi trước khi dùng đến chế biến món ăn. Dù đã xử lí cẩn thận như trên ta vẫn phải đun nấu chín, tuyệt đối không ăn rau sống.
BS. Hương Liên
Theo : nguoicaotuoi.org.vn

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Cách rửa rau an toàn

Nhiều người nghĩ rửa rau là một công việc đơn giản. Nhưng các chuyên gia về rau khuyến cáo, nếu không rửa đúng cách, rau bẩn vẫn hoàn bẩn.

Mỗi loại rau loại có nguy cơ nhiễm bẩn khác nhau nên cũng cần cách làm sạch riêng: Nếu rau ăn lá cần rửa kỹ dưới vòi nước rồi ngâm qua nước muối thì với rau ăn quả lại nên rửa sạch rồi cất vào tủ lạnh khoảng 2 ngày.

Các tư vấn sau đây sẽ giúp bạn biết cách rửa rau sạch, an toàn.

Những thói quen sai lầm khi rửa rau

Rửa rau 3 nước là sạch: Theo Tiến sĩ Phan Thanh Tâm, bộ môn Công nghệ thực phẩm - Sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội: Nếu nghĩ chỉ cần nhặt rau sạch và rửa qua 3 nước trong chậu là có thể loại bỏ hết tất cả các chất bẩn, vi khuẩn có trong rau quả là hoàn toàn nhầm. Với cách rửa đó khó có thể loại bỏ được tối đa các tạp chất bẩn như đất, rác, ký sinh trùng hay vi sinh vật và các hợp chất hoá học như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... mà mắt thường không nhìn thấy.

Rau gia vị chỉ cần rửa qua: Các loại rau gia vị như hành, thì là hay các loại quả vỏ trơn bóng như cà chua, cà tím, ớt tươi... cũng cần phải rửa sạch như các loại rau khác vì nhiều nơi trồng hành còn bẩn hơn cả rau, họ có thể tưới phân tươi... nên nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao.
Nên rửa rau dưới vòi nước sạch, đang chảy mạnh để loại bỏ chất bẩn

Chần qua rau rồi nấu cho an toàn: Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Linh, bộ môn Rau và Cây gia vị, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam cho biết, thói quen rửa và chần qua rau rồi mới nấu nhằm bảo đảm vệ sinh vừa đẹp màu khi ăn là không cần thiết, thậm chí là phí. Cách chần này vừa làm giảm vitamin vừa làm mất các chất giúp phòng ngừa bệnh ung thư có trong rau.

Cách rửa rau sạch

Theo các chuyên gia, rau ăn được chia làm 4 loại: Lá, quả, củ và hoa. Mỗi loại sẽ có nguy cơ nhiễm bẩn, ô nhiễm nguồn nước khác nhau nên khi rửa cần phân loại để làm sạch.

Rau ăn lá được xếp vào dạng ô nhiễm nhiều nhất và nguy cơ mang mầm bệnh tả cao do chứa nhiều vi khuẩn E.Coli và Salmonella từ việc tưới phân tươi trực tiếp lên lá. Vì thế, khi mua về, nên nhặt sạch rau, ngâm qua nước và bắt đầu rửa từng lá, cọng dưới vòi xối. Các cành rau nhỏ như rau muống... phải rửa làm nhiều lần, sau đó rửa từng mớ nhỏ bằng nắm tay dưới vòi nước. Cách tốt nhất hiện nay để loại bỏ các khuẩn tả là ngâm qua nước. Một chậu nước khoảng 10 lít chỉ cho lưng thìa cà phê (một thìa nhỏ) muối ngâm trong vòng 5 phút.

Rau ăn quả thường ít ô nhiễm hơn rau ăn lá bởi quả chủ yếu leo giàn nên khi tưới ít bị dính phân. Nhưng rau ăn quả dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do thu hoạch quá sớm chưa hết hạn cách li thuốc hay ô nhiễm khi bảo quản. Khi mua về không nên ăn liền theo thói quen vẫn tồn tại của người Việt Nam. Hãy rửa sạch từng quả rồi bọc nilon cho vào tủ lạnh, ăn sau 2 ngày.

Với cách này, rau quả vẫn đảm bảo độ tươi ngon, vừa có thời gian để thuốc phân hủy. Các loại rau quả cần ăn ngay nên rửa sạch dưới dòng nước và ngâm nước muối. Tránh ngâm nước muối rồi cho vào tủ lạnh để cách ngày vì quả dễ bị hỏng.

Rau ăn củ nói chung đảm bảo an toàn hơn nên không cần ngâm nước muối hay thuốc tím. Khi chế biến rau củ nên rửa sạch vỏ sau đó gọt và rửa lại lần nữa. Cách này hạn chế các chất bẩn dính ngoài vỏ củ vào phần thịt củ đã gọt.

Rau ăn hoa được xem là đảm bảo vệ sinh nhất. Hoa thường ở trên cao và rất kỵ với các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân phun trực tiếp vào, rất khó dính bẩn. Khi phun người trồng phải dùng lá đậy mặt hoa nên chế biến chỉ cần rửa hoa sạch dưới vòi nước là đảm bảo an toàn.

Theo: Khoa học và đời sống