Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, Vướng đủ thứ


(HNM)- Theo điều tra của Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), hầu hết người tiêu dùng muốn chọn mua rau an toàn nhưng khó tìm địa điểm và chưa đủ niềm tin liệu đó có phải là rau an toàn hay không… Đó là những hạn chế khiến rau an toàn khó tiêu thụ. 

Rau an toàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, được coi là "vựa" rau an toàn lớn của Hà Nội, tuy nhiên hầu hết người trồng rau an toàn nơi đây phải tự bươn chải để tiêu thụ. Ông Đặng Văn Phúc, ở đội 5A, thôn Trung Quan, xã Văn Đức, cho biết, sản xuất rau an toàn chi phí lớn hơn rau thường, công lao động cũng nhiều hơn song do người tiêu dùng chưa phân biệt được nên nhiều lúc rau an toàn rơi vào cảnh "ế ẩm". Không ít hộ đã bỏ sản xuất. Trong hai năm (2011-2012) vừa qua, Vinastas đã tiến hành điều tra trên diện rộng tại hơn 10 thành phố, thị xã phía Bắc, kết quả, có đến 88% người tiêu dùng tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… không phân biệt được rau an toàn với các loại rau thường. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Vinastas, hiện trên thị trường có nhiều cửa hàng treo biển bán rau sạch nhưng thực tế rau có được sản xuất an toàn không thì khó có thể kiểm chứng. Trong khi đó, khái niệm về rau an toàn vẫn chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể.

 
Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt
Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt


Thực tế, giá rau an toàn tuy cao hơn giá rau thường nhưng chưa đủ bù đắp chi phí thuê mặt bằng hay "chen chân" vào siêu thị. Đại diện Công ty TNHH Hương Cảnh, đơn vị đang đầu tư sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức, cho biết, ngoài việc phân phối cho các đầu mối bán buôn, để có mặt trong các siêu thị, Công ty chỉ có thể tham gia bằng hình thức "ký gửi" bởi tiền thuê mặt bằng lớn.

Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư.

Hà Nội hiện có 58 cửa hàng, điểm bán rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50 đến 120kg/cửa hàng/ngày. Ngoài ra, có 35 siêu thị đang tiêu thụ rau an toàn, sản lượng từ 80 đến 200kg/siêu thị/ngày. Dự kiến, Hà Nội sẽ mở thêm 25-30 điểm bán rau an toàn trong nội thành. Về phía các doanh nghiệp (DN), đã có 15 DN, 25 HTX đang tham gia sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm rau an toàn; bên cạnh việc gắn nhãn nhận diện, từ tháng 9-2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tiếp tục chỉ đạo việc triển khai dán tem nhận diện rau an toàn Hà Nội cho sản phẩm bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ... Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa đủ mạnh để người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể tham khảo trên "Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn" của Hà Nội để nắm thêm thông tin.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, so với các hệ thống tiêu thụ rau củ quả thông thường, hệ thống tiêu thụ rau an toàn tại các tỉnh chỉ chiếm số lượng nhỏ. Ngoài ra, không ít điểm bán rau an toàn hoạt động kém hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa do sức mua thấp. Đặc biệt, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng rau còn thiếu; việc quản lý mới chỉ dừng ở mức chứng nhận vùng, cơ sở đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, kinh doanh... Vì vậy, Bộ NN&PTNT yêu cầu, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn tại trung tâm thành phố, tuyên truyền, xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau củ quả an toàn.

Thành lập công ty sản xuất, kinh doanh rau an toàn


(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa cho phép Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội góp vốn thành lập Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thỏa thuận hợp tác, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội góp 5,1 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ, Công ty TNHH Hương Cảnh góp 1 tỷ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và thương mại Liên Việt góp 3,9 tỷ đồng, tương đương 39% vốn điều lệ để thành lập Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội.

Sản xuất rau an toàn tại Hà Nội: Nhu cầu lớn, tiêu thụ thấp


(HNM) - Năm 2009, UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án sản xuất rau an toàn (RAT) Hà Nội giai đoạn 2009-2016. Sau 3 năm triển khai, đến nay, dù diện tích trồng RAT được mở rộng, nhưng sức tiêu thụ thấp, chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, người trồng rau không yên tâm sản xuất, người tiêu dùng chưa đủ niềm tin vào RAT.Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, kết quả sau 3 năm triển khai đề án sản xuất RAT, Hà Nội hiện có khoảng 3.800ha rau được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn, phân bố ở 93 xã với sản lượng khoảng 295.000 tấn/năm, tương đương 800 tấn/ngày. Tính đến tháng 3-2013, Hà Nội đã lập 31 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích trên 2.000ha. Trong đó, có 9 dự án đã được phê duyệt đầu tư và đang thi công; 18 dự án đã được UBND TP chấp thuận cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư; 4 dự án đang xin chủ trương.
Rau an toàn được bày bán, giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: Bảo Lâm
Rau an toàn được bày bán, giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: Bảo Lâm

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thu nhập trung bình sản xuất RAT đạt khoảng 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Đây là mức khá cao giúp các địa phương có thế mạnh về rau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, trong 3 năm qua, thành phố và ngành nông nghiệp đã xây dựng hệ thống mạng lưới tiêu thụ RAT tại nhiều xã, phường, tổ dân phố. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Thị Hoa cho biết, ngoài các chợ nông sản đầu mối, Hà Nội có 58 cửa hàng, điểm bán RAT được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với sản lượng tiêu thụ trung bình 50 đến 120kg/ngày; 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT với sản lượng 80 đến 200kg/ngày... Tuy nhiên, RAT vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Số lượng rau tiêu thụ qua hai kênh này chỉ chiếm 1-2% tổng sản lượng RAT.

Để giúp người tiêu dùng tin tưởng và nhận biết RAT, cuối năm 2012, Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện dán tem chứng nhận tại một số nơi sản xuất RAT. Hiện đã có 29 cơ sở sản xuất thí điểm dán tem nhận diện RAT, gồm: 10 doanh nghiệp, 10 HTX sản xuất, kinh doanh RAT có sơ chế và 9 xã dán tem đến hộ nông dân bán lẻ. Mỗi cơ sở được cấp một mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và quản lý nguồn gốc xuất xứ các loại rau. Năm 2013, Hà Nội sẽ mở rộng dán tem nhận diện cho các cơ sở sản xuất RAT đủ điều kiện theo nhu cầu và đăng ký của các địa phương. Đặc biệt, để giúp người dân có thể truy xuất nguồn gốc, Hà Nội đã xây dựng Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn. Theo đó, toàn bộ nông sản sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc sẽ được đưa lên sàn giao dịch, giúp người tiêu dùng có thể tra cứu, kiểm soát nguồn gốc RAT khi cần.

Sau 3 năm triển khai đề án RAT, dù đạt được những kết quả tích cực song việc sản xuất và tiêu thụ RAT Hà Nội còn nhiều bất cập. Đặc biệt, khâu quản lý RAT còn lỏng lẻo, có tình trạng trà trộn giữa rau trồng ngoài vùng quy hoạch với rau trong vùng quy hoạch RAT hoặc vẫn có nơi trồng RAT theo vùng mà không đạt tiêu chuẩn. Theo Chi cục BVTV Hà Nội, từ năm 2010-2012 đã lấy trên 1.600 mẫu rau tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh RAT để kiểm tra, qua đó phát hiện 74 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép (chiếm 4,4%).

Ngoài ra, việc tiêu thụ RAT còn không ít khó khăn. Ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cho biết, RAT tại HTX Đại Lan đã được gắn tem nhận diện, tuy nhiên việc tiêu thụ ổn định qua siêu thị và các doanh nghiệp là rất ít. Ngoài ra, dù được quy hoạch vùng RAT nhưng mỗi hộ sở hữu một thửa ruộng riêng, bình quân mỗi hộ chỉ 2 sào, nên khó khăn cho việc quản lý, giám sát. Đáng lưu ý, giá bán RAT tại các siêu thị, cửa hàng vẫn cao do chịu nhiều chi phí trung gian, chưa hấp dẫn người mua. Hầu hết người dân phải tự bươn trải để tìm đầu ra.

Khó khăn nữa là rất ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất RAT vì việc đầu tư dây chuyền, nhà sơ chế... mất hàng tỷ đồng trong khi việc thu hồi vốn rất chậm. Ông Phạm Văn Hưng, Công ty Hương Cảnh cho biết, công ty đã đầu tư trên 7 tỷ đồng để xây dựng nhà sơ chế, khu sản xuất tại Văn Đức (Gia Lâm) mà đến nay cơ sở vẫn không hoạt động hết công suất. Lượng RAT thu mua ít, hiệu quả thấp nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Để gỡ khó cho sản xuất và tiêu thụ RAT, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ tích cực giúp đỡ người dân về quy hoạch, quy trình, kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, nghiệm thu RAT. Cùng với đó, người dân phải nâng cao ý thức bảo đảm chất lượng, tuân thủ quy trình sản xuất RAT. Thành phố tiếp tục hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo thương hiệu, mở rộng mạng lưới tiêu thụ giúp người dân yên tâm sản xuất RAT.
http://bveget.com/index.php?route=ac_cms/article&b_id=37
http://bveget.com/index.php?route=ac_cms/article&b_id=33

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Rau quả TQ về VN bị đội giá 20 lần


Lợi nhuận rót đầy túi thương lái


Theo Hải quan các cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Lào Cai, Cát Lái (TP.HCM), giá một số loại rau quả được nhập qua cửa khẩu đang rất thấp. Đơn cử như khoai tây, bắp cải chỉ 1.700 đồng/kg; cải thảo 2.050 đồng/kg; hành củ khô, cà rốt, hành tây, gừng 2.500 đồng/kg; tỏi 3.400 đồng/kg, súp lơ 4.200 đồng/kg...
Tương tự, các loại hoa quả tươi giá cũng rẻ không kém. Hiện đào, dưa vàng, cam Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh giá chỉ 3.400 đồng/kg, táo, lê giá 3.700 đồng/kg.
Cũng theo hải quan các cửa khẩu, rau quả nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu nếu có C/O form E (giấy chứng nhận xuất xứ hàng nhập từ Trung Quốc) thì thuế nhập khẩu là 0%, chưa kể rau củ quả là mặt hàng không chịu thuế VAT.
Nhập với giá rẻ, không phải chịu thuế. Thế nhưng, theo khảo sát của PV tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), giá của những mặt hàng này đã được thương lái đẩy lên ngất ngưởng. Trung bình mỗi mặt hàng, thương lái đẩy lên cao gấp cả chục lần giá nhập tại cửa khẩu.
Rau quả TQ về VN bị đội giá 20 lầnAnh Trần Văn Tâm, một đầu mối chuyên nhập hàng hoa quả từ cửa khẩu Tân Thanh về bán buôn tại chợ Long Biên, tiết lộ: "Các đầu mối lấy cớ cước vận chuyển cao để đẩy giá hoa quả lên, chứ trên thực tế, nếu tính thêm loại cước này thì giá hoa quả chỉ cao gấp đôi là thương lái đã lời to".
"Như xe tải loại 3,5 tấn của anh, bình quân một lần lên cửa khẩu nhập hàng, xe chở được khoảng 11 tấn táo (theo quy định loại xe này chỉ được chở 3,5 tấn). Cộng với tiền xăng dầu tính cả chiều đi chiều về, tiền thuê bốc dỡ hàng, phí phát sinh khác... gọi chung là cước vận chuyển thì mỗi chuyến mất 5 triệu đồng nữa. Nhẩm tính ra, một kg táo nhập tại cửa khẩu về đến chợ đầu mối chỉ 4.150 đồng/kg", anh Tâm giải thích.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, giá táo bán cho các tiểu thương đưa về các chợ, cửa hàng bán lẻ lên tới 35.000 đồng/kg, cao gấp 8,5 lần giá ban đầu. Tương tự, các loại hoa quả, rau củ về đến chợ đầu mối cũng được thương lái đẩy lên cao như vậy.
Cuối cùng, khi đến các chợ lẻ, giá những mặt hàng rau quả nhập khẩu lại bị đẩy gấp đôi so với chợ đầu mối, tức cao hơn giá thành nhập tại cửa khẩu từ 10-20 lần.
Tại chợ Thành Công A (Ba Đình) giá các loại rau củ nhập từ Trung Quốc đến tay bà nội trợ có giá trên trời. Tại đây, bắp cải được bán 18.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng/kg, cải thảo 15.000 đồng/kg, cà rốt 19.000 đồng/kg, gừng 30.000 đồng/kg. Bị đẩy giá cao nhất là hành củ khô và tỏi, giá nhập chỉ ở mức 2.500-3.400 đồng/kg nhưng bán tại chợ lẻ giá lên tới 50.000 đồng/kg, cao gấp 20 lần giá nhập tại cửa khâu.
Đối với mặt hàng hoa quả nhập khẩu cũng vậy, trên thị trường bán lẻ giá đã được đẩy lên cao gấp nhiều lần giá nhập vào. Tại cửa hàng hoa quả tươi số 143 Phan Văn Trường (Cầu Giấy, Hà Nội), lê nhập từ Trung Quốc có giá 38.000 đồng/kg, đào 45.000 đồng/kg, cam 60.000 đồng/kg, dưa vàng 40.000 đồng/kg, táo 70.000 đồng/kg...
Người tiêu dùng bị móc túi kép
Nhập với giá rẻ bèo nhưng lại bán với giá trên trời cộng thêm với việc cân điêu, bán thiếu của tiểu thương khiến người tiêu dùng đang bị móc túi kép. Nhiều người tỏ ra bức xúc nhưng rồi chẳng biết kêu ai.
Bác Thu Hoài ở Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) than thở: "Giá đã đắt gấp hàng chục lần giá mua tận gốc, thế mà còn phải chịu cảnh cân điêu. Mua quả dưa vàng 3,5 kg tại chợ Nghĩa Tân với giá 40.000 đồng/kg, về đến nhà cân lại còn chưa đầy 3 kg. Tính ra giá mỗi kg dưa này tiểu thương bán 48.000 đồng chứ đâu phải 40.000 đồng như đã nói. Biết bị móc túi nhưng cần thì vẫn phải mua chứ chẳng thể tránh được".
Anh Bùi Tiến Tài, chủ cửa hàng hoa quả nhập khẩu tại Nghĩa Tân (Cầu Giấy) khẳng định chuyện cân điêu bán thiếu giờ là phổ biến. Tại các siêu thị lớn nhỏ quản lý chặt chẽ vậy mà tình trạng cân điêu còn xảy ra, huống chi tại chợ. Chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt.
Anh Tài còn cho biết ngoài chuyện cân điêu, thổi giá hoa quả, rau củ lên cao, tiểu thương bây giờ còn trà trộn nhập hoa quả Trung Quốc giá bèo về dán mác khác thành hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, Thái để bán giá cao hơn. Người mua rất dễ bị lừa, bị móc túi.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện rau quả Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường, sau đó đến Mỹ và Thái Lan. Năm tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc ước đạt 52,25 triệu USD, chiếm 45,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả vào Việt Nam.
Theo Bảo Hân (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)

Dừng nhập rau quả TQ nếu không an toàn


Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho biết, nếu căn cứ trên Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT về hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, thì hàng hóa có nguồn gốc thực vật của Trung Quốc được Nafiqad công nhận tạm thời đến ngày 30-6.
Ông Tiệp cho biết, hiện phía Trung Quốc đã làm những thủ tục cần thiết để gia hạn thời gian được nhập khẩu những sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam sau khi hết hạn nói trên. Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu Nafiqad phát hiện có lô hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ tiến đến cấm nhập khẩu mặt hàng đó để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
Dừng nhập rau quả TQ nếu không an toàn, Thị trường - Tiêu dùng, rau qua Trung Quoc, rau qua, thuc vat, thuc pham, an toan thuc pham, Cuc Quan ly chat luong, nong lam san, Thong tu 13, Cuc Bao ve thuc vat
Rau quả TQ nhập vào VN không đảm bảo an toàn sẽ kiến nghị cấm nhập khẩu (Ảnh minh họa)
Theo điều 14 của Thông tư 13, nếu một mặt hàng nào đó bị nghi ngờ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi phát hiện một lô hàng vi phạm thì ngay sau đó cơ quan kiểm tra thuộc Nafiqad, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có tần suất kiểm tra là 30%, và nâng lên tần suất kiểm tra 100% nếu phát hiện hai lô hàng kiểm tra liên tiếp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin củ gừng trồng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thường xuyên sử dụng loại thuốc trừ sâu không được dùng cho cây gừng. Củ gừng là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa của Thông tư 13 với mã số 0910.
Hiện nhiều nước trên thế giới thường có lệnh cấm nhập khẩu một loại hàng hóa nào đó của nước khác, với mục đích để bảo vệ người tiêu dùng và ngành sản xuất trong nước, khi nước sở tại có dịch bệnh hay sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, vào tháng 3-2012, do tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên diện rộng ở Việt Nam, Tổng cục Kiểm nghiệm kiểm dịch và Giám sát chất lượng nhà nước Trung Quốc đã ra thông báotạm dừng nhập khẩu những sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm và những sản phẩm hàng hóa cùng loại quá cảnh qua Việt Nam, nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng nội địa.
Hay như đầu tháng 5-2013, Cục nghề cá và nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR) có quyết định cấm nhập khẩu tôm sống và động vật giáp xác từ một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, vì lo ngại dịch bệnh hội chứng chết sớm trên tôm (EMS) ở một số quốc gia châu Á sẽ lây sang Philippines, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến tôm của Philippines.
Trước đó, vào trung tuần tháng 4-2013, Bộ Nông nghiệp Chăn nuôi Phát triển nông thôn Thủy sản và Thực phẩm Mexico (SAGARPA) cũng có lệnh cấm nhập khẩu tôm sống từ Việt Nam với lý do tương tự.
Theo Nafiqad, để bảo vệ người tiêu dùng và ngành sản xuất trong nước thì việc cấm nhập khẩu những sản phẩm ở một nước đang có dịch bệnh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện bình thường.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), tổng giá trị rau quả nhập từ Trung Quốc trong quí 1-2013 là 32,7 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn chiếm 53% giá trị hàng rau quả nhập khẩu của Việt Nam. Lý do giảm lượng nhập, theo Vinafruit, là do thời gian qua có nhiều thông tin người dân Trung Quốc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, dùng nhiều loại hóa chất độc hại để bảo quản rau quả nên người tiêu dùng trong nước ngại dùng.
Theo Ngọc Hùng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Rau an toàn - nguồn dinh dưỡng tốt nhất


Rau quả thuộc loại thực phẩm không thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày và chúng có vai trò dinh dưỡng đặc biệt quan trọng. Về lượng protein và lipid rau quả không so sánh được với những thực phẩm có nguồn gốc động vật nhưng giá trị chính của rau quả là ở chỗ chúng cung cấp cho cơ thể nhiều chất có hoạt tính sinh học. 
 Một số chất sinh học quan trọng có trong rau quả như caroten, phức chất polyphenol (chất màu, hương vị...) chứa các bionavanoit đang là đối tượng nghiên cứu về vai trò chống ôxy hoá cũng như tác dụng làm giảm nguy cơ đối với bệnh tim mạch và phòng ngừa ung thư.
Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh và quả họ cam quýt. Một số quả có màu vàng như bí đỏ, gấc hoặc các loại rau lá màu xanh thẫm như rau ngót, rau khoai lang chứa nhiều beta-caroten. Lượng vitamin nhóm B lớn, kích thích chức năng tiết dịch và nhu động ruột, bài xuất cholesterol ra khỏi cơ thể.
Các loại vitamin và chất khoáng có trong rau quả là các yếu tố vi lượng rất cần cho sự phát triển của trẻ em, góp phần phòng chống các bệnh nhiễm trùng, tim mạch và ức chế sự phát triển khối u ác tính. Một số loại rau quả có chứa các cấu tử kháng đột biến, chống ôxy hoá, chức năng hoại tử tế bào ung thư, kích thích và tăng cường việc sản xuất kháng thể. Rau quả là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sức khoẻ, song nó cũng tiềm ẩn nguy cơ bị ô nhiễm hoá học.

Thuốc bảo vệ thực vật với lượng tồn dư quá cao trong rau quả là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc gây rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong cao.
Theo các báo cáo khảo sát tại một số tỉnh thành đã phát hiện diazinon và cypermethrin phổ biến có trong các loại rau, đậu đỗ. Thuốc bảo vệ thực vật đó bị cấm dùng như monitor (methamidophos) vẫn còn tìm thấy lượng tồn dư đáng kể trong rau quả.
Trong số các rau quả thông dụng thì rau cải, đậu đũa, súp lơ, cà chua và rau muống là các loại rau quả có tỷ lệ mẫu phát hiện cao hơn các loại khác. Dimethoat và Diazinon là 2 loại thuốc trừ sâu được sử dụng khá phổ biến và có trong danh mục các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong sản xuất rau an toàn, tuy nhiên mức độ phát hiện hầu hết các mẫu rau cải xanh đó gần với giới hạn tối đa cho phép, người trồng rau cần đảm bảo thời gian cách ly đủ để giảm đến mức thấp nhất lượng tồn dư hoá chất trên rau.
Người tiêu dùng nên mua các loại rau ăn củ, thân lá, hoa, quả có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm vi sinh vật gây hại ở mức tiêu chuẩn cho phép, tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các nơi bán rau cố định có cam kết bảo đảm an toàn.
Tất cả các loại rau quả cần được rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu nhưng phải thay nước nhiều lần tới khi sạch trước khi chế biến. Nếu có phát hiện thấy màu sắc, mùi vị lạ thì tuyệt đối không được dùng làm thức ăn cho người hoặc gia súc.
Nguồn: viendinhduong

Rau muốn xào mắm ruốc


Cọng rau muống xanh mướt vừa chín tới nhai thật giòn quyện với mùi thơm đặc trưng của mắm ruốc, thêm chút ớt cay cay, vừa quen vừa lạ.
Cô bạn hàng xóm hớn hở qua nhà rủ: “Bà dì tui ở Mỹ mới về, có món này ngon lắm!” Chạy qua, thấy một đĩa rau xào xanh mướt, cả nhà sực một mùi mắm nưng nức còn nghi ngút khói trên bàn.

Bà Linh, Việt kiều hơn 20 năm ở Mỹ, kể: “Lúc còn ở Việt Nam chưa ăn qua món này bao giờ nhưng khi qua Mỹ, được mời ăn thử rồi ghiền luôn. Ở bển bán mắc lắm! Một đĩa nhỏ cũng vài chục đô. Về đây ăn cho đã thèm”.
Làm món này đơn giản như rau muống xào tỏi hay xào chao. Nửa ký rau muống xào với một muỗng canh mắm ruốc là vừa. Có thể thêm chút thịt ba rọi cho món rau xào đậm đà thêm – cho có bè có bạn. Rau muống nước hay rau muống vườn xào đều ngon nhưng phải ngắt cọng hơi dài, phi tỏi cho thơm rồi xào nhanh tay.
Bà Linh chia sẻ bí quyết: “Rau muống phải dùng tay ngắt mới ngon. Để lửa thật lớn thì rau mới xanh và giòn”. Cọng rau muống xanh mướt vừa chín tới nhai thật giòn quyện với mùi thơm đặc trưng của mắm ruốc, thêm chút ớt cay cay, vừa quen vừa lạ.
Chỉ cần một chén cơm trắng nóng, ăn với rau muống xào đang bốc khói thì lạ thay nó ngon đáo để. Rau muống, mắm ruốc là hai loại nguyên liệu dân dã, quen thuộc đến nỗi chỉ khi xa xứ thì người ta mới nghĩ ra cách cho chúng vào chung một chảo như vầy. Có nỗi thương nhớ quê nhà nào qua được nỗi thương mắm nhớ rau?

Theo SGTT

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Dùng thực phẩm sao cho có lợi nhất


Cách thức bạn chuẩn bị bữa ăn và những loại thực phẩm, thức uống hợp lý đi kèm - sẽ giúp mang lại những hiệu quả lớn hơn nữa về sức khỏe. Dưới đây là một số gợi ý giúp chúng ta sử dụng thực phẩm sao cho có lợi nhất.

Những loại rau, củ, quả nên nấu chín
Những loại rau củ như cà chua, cà rốt, bắp nếu được nấu vừa chín tới sẽ cung cấp nhiều dưỡng chất hơn so với ăn sống. "Nhiệt độ làm cho một số hóa chất, như lycopene, dễ được hấp thu hơn", Dawn Jackson Blaner, chuyên viên nghiên cứu và là người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ cho biết.
Nhưng đừng nấu chín những gia vị này
Nhiệt độ có thể làm hỏng những dưỡng chất chống oxy hóa có trong tỏi và củ hành. Do vậy khi chuẩn bị các món ăn cần dùng gia vị này, chỉ cho chúng vào khi thức ăn đã gần chín.
Nấu đúng kiểu
Nên hấp rau củ chứ đừng nên luộc chúng. Luộc rau củ có thể làm mất nhiều dưỡng chất như vitamine C và B6, thiamin (một loại sinh tố B), vitamine B2, và niaxin (vitamine B tổng hợp). Nên cắt rau củ thành từng miếng lớn trước khi đem hấp, và chú ý sao cho thực phẩm chỉ vừa chín tới. Bề mặt rau củ càng lớn, bạn càng giữ được nhiều dưỡng chất hơn. Thông thường, nên hấp rau củ từ 7 đến 8 phút với 1/2 tách nước để giữ lại dưỡng chất được nhiều nhất.
Không dùng thực phẩm có chất sắt sau bữa ăn sáng
Nếu bạn đã dùng bữa sáng với bánh ngũ cốc và sữa, hãy tránh dùng các món ăn có chứa sắt ngay sau đó. Can-xi và sắt không thể hấp thu đồng thời, theo Elizabeth Somer, nhà nghiên cứu, tác giả cuốn 10 thói quen có thể làm hỏng chế độ ăn ở phụ nữ. Nếu bạn dùng cà phê hoặc trà vào buổi sáng thì không nên uống viên bổ sung chất sắt ngay sau đó. Hợp chất có tên là tannin trong những loại thức uống này sẽ làm mất tác dụng của sắt, và khoảng 80% sắt sẽ trở nên không thể hấp thu được. Đây là vấn đề cần quan tâm, vì có đến 1/5 phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt bị thiếu sắt.
Không ăn khi đang vội
Stress can thiệp vào khả năng hấp thu vitamine và khoáng chất của cơ thể. Stress cũng là nguyên nhân khiến các dưỡng chất bị thải ra ngoài - đặc biệt là can-xi, vốn đã thiếu đến 78% đối với phụ nữ ở độ tuổi trên 20. Hãy dành ra ít nhất là 15 phút cho bữa ăn sáng và khoảng 45 phút cho bữa ăn trưa và tối, theo Marc David, tác giả cuốn Ăn chậm; Ăn để thưởng thức, nạp năng lượng, và giảm cân.
http://bveget.com/index.php?route=ac_cms/article&b_id=32
http://bveget.com/index.php?route=information/contact
http://bveget.com/index.php?route=product/category&path=59
Theo Thanh Niên