Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Thú chơi hương trầm của người Hà Nội


Trước kia, vào thời khắc giao thừa của đêm 30 Tết, đâu đó ở những góc phố Hà Nội người ta được ngửi thấy váng vất mùi hương trầm. Đó là lúc trầm được đốt trong nhiều Đình ở đây. Mùi hương đó rất đặc trưng, nó thơm thanh tao và thiêng liêng, không một hương thơm nào có thể so sánh được. Ngoài ra, vào những ngày hội đặc biệt của các bậc chí sĩ, các gia đình quyền quý thường được thắp một nén trầm. Mới thấy trầm quí biết nhường nào. Nó không phải là sản vật để dùng đại trà.
Trên thế giới người ta dùng Trầm làm một trong những thành phần sản xuất thứ nước hoa đắt tiền, làm dầu để người đạo Hồi cử hành lễ. Người phương đông xưa dùng trầm để cho vào nước tắm của các bậc vương giả hay để trong rương hòm quần áo mong ám được mùi thơm của nó.
Trầm là một sản phẩm đặc biệt của thiên nhiên ban tặng. Nó chỉ có trong rừng đại ngàn của vùng nhiệt đới. Nhưng không phải rừng nào cũng có. Ở Việt Nam trầm tồn tại duy nhất ở vùng rừng Khánh Hòa. Trầm xuất hiện trong thân cây gỗ gió và trong hàng ngàn hàng vạn cây mới may ra có một cây hóa trầm. Bởi thế tìm được Trầm là cả công cuộc gian truân, bao người đã chết vì rừng thiêng nước độc, vì đói khát và thú dữ. Điều này được một số tác phẩm văn học và tài liệu xưa đề cập đến.
Thời phong kiến, ai khai thác được trầm chỉ được phép bán cho nhà vua. Sau này trầm được dùng phổ biến hơn trong những gia đình quyền quý. Nó là thứ không thể thiếu trong đời sống văn hóa thiêng liêng của người Việt nói chung và của người Hà Nội nói riêng. Song, những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ trở lại đây, người dân mải ly tán loạn lạc, mải lo đánh giặc, rồi mải gây dựng cuộc sống mới cho nên họ đã bị thất lạc thú chơi rất thanh tao này. Trầm đã vắng bóng trên thị trường. Phần lớn người Hà Nội bây giờ thuộc các vùng khác tới. Tất cả đều mải miết chạy theo cuộc sống thị trường nhiều xô bồ. Ít người có dịp lắng lòng mình hưởng thụ, di dưỡng những khoảnh khắc thiêng liêng, quý báu của tâm hồn. Thơ thì phá cách, nhạc cách tân, văn ngắn gọn và phá phách hết độ. Tất cả chạy theo cuộc sống gấp gáp, cùng với sự lạ hóa không đường lối. Nhưng với người thuộc thế hệ cũ, mùi trầm thiêng của những ngày đặc biệt vẫn là niềm nhớ, vẫn ẩn náu trong tâm hồn. Bởi thế thú chơi trầm đã được một người Hà Nội khôi phục lại. Đó là ông Phan Văn Huy.
Ông là giáo viên kỹ thuật của trung tâm kỹ thuật tổng hợp số I, nhưng ông lại ham mê văn học. Và những tác phẩm của Nguyễn Tuân về thú chơi trầm của tầng lớp quý tộc xưa đã ảnh hưởng tới ông rất nhiều. Hơn nữa, gia đình ông ngày trước luôn đốt trầm vào mỗi dịp Tết. Mùi trầm thiêng đã khiến ông nhớ và trăn trở đi tìm kiếm lại suốt bao nhiêu năm. Nhân một chuyến đi công tác vào Nam theo đoàn công ty điện ảnh Hà Nội để nghiên cứu về việc lắp đặt hệ thống điều hòa đầu tiên cho rạp chiếu bóng Tháng Tám, ông Huy đã mải miết đi tìm và đã bắt được mối mua trầm. Dùng bột keo quện bột trầm viên thử vài viên để đốt và ông nảy ra công nghệ làm trầm đầu tiên ở Việt Nam. Keo là một loại cây bóc được vỏ và xay thành bột, khi gặp nước tạo thành chất dính. Cây này có ở Quảng Ninh, Đắc Lắc, Đồng Tháp Mười. Sau khi thắp chừng chục viên thấy ưng ông Huy mới định hình công thức và bắt tay vào sản xuất. Đó là vào năm 1985. Hai năm đầu ông làm bằng tay, sau đó nhiều người mua hơn, ông đã làm bằng khuôn.
Vì được thừa hưởng công nghệ làm hương gia truyền và một cửa hàng bán hương tại số 40 phố – Đồng Xuân – Hà Nội, nên vợ chồng ông Huy đã có những kỹ thuật riêng trong việc sản xuất viên trầm đốt đỉnh. Khách hàng thời ấy tới mua hương thấy viên trầm lạ thường hỏi: “Đây là cái gì?”. Sản phẩm đã đi vào truyền thống nhưng lúc này lại trở thành mới hoàn toàn. Ông Huy và vợ không nề hà giải thích cặn kẽ sự quý giá, nguồn gốc của trầm và thú chơi trầm, rồi biếu họ một viên về thắp thử. Hầu hết những người đó đều quay lại mua trầm nhà ông.
Ngoài công việc chuyên môn, ông Huy đã hình thành một xưởng sản xuất trầm nho nhỏ bên cạnh công việc làm hương truyền thống của gia đình. Công việc này chỉ thực hiện được trong sáu tháng mùa khô của năm, vì trời mưa không phơi được. Thu nhập về trầm không đáng là bao, nhưng tiền bạc đâu thể mua được niềm hạnh phúc của nỗi đam mê tận trong tâm. Hiệu trầm của ông đặt tên là Diệu Thịnh. Đây là tên mẹ của ông Huy, một tín đồ Phật giáo và lấy lô gô là hình tượng Phật Di Lạc.

Giờ đây, người chơi trầm đã nhiều gấp hàng trăm lần xưa. Trầm của ông đã mặt trên khắp toàn quốc, được nhiều khách nước ngoài và Việt kiều ưa chuộng.
Mùi trầm đã trở lại phảng phất linh thiêng trên những đỉnh đồng của nhiều gia đình Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó là minh chứng cho một nền văn hóa được phục hồi sau vết thương chiến tranh, minh chứng cho sự no đủ an nhàn trong cuộc sống của người dân Việt Nam thời hiện đại.
(Bài viết của tác giả Ninh Huệ đăng trong báo Người Hà Nội cuối tuần số 28 ra ngày 13/07/2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét