Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Hương đạo Nhật Bản

 

alt
Từ xưa, người Nhật đã có thói quen dùng hương trầm như một liệu pháp giúp tinh thần minh mẫn. Cùng với thời gian, họ đã tạo ra nhiều dụng cụ và nhiều cách khác nhau để thưởng thức mùi hương này.
Nhang là một trong các dạng của hương trầm. Nhang vốn là đồ cúng tế quan trọng trong Phật giáo. Người Nhật tin rằng, nhang giúp tẩy uế. Nhang sử dụng để thắp trong nghĩa trang thường được chiết xuất từ mùi hương tự nhiên của lá tuyết tùng.
Tại Nhật, hương trầm được chế tạo thành nhiều kiểu dáng khác nhau phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Sự phổ biến của nó đã tạo nên nét văn hóa yêu thích của người dân nơi đây. Người Nhật có thói quen đặt túi thơm vào quần áo hay túi xách để tạo cảm giác dễ chịu. 
Trầm hương là nguyên liệu chính dùng để làm hương trầm. Trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây gió. Không phải bất kỳ thân cây gió nào cũng có trầm hương và kỳ nam. Chỉ một số cây gió có bệnh mới chứa trầm ở phần lõi của thân. Cây gió xuất hiện nhiều ở các khu rừng rậm nhiệt đới. Tại châu Á, trầm thường được tìm thấy trong các cánh rừng của Việt Nam và Campuchia.
Ngoài các nghệ thuật nổi tiếng như trà đạo, hoa đạo hay kiếm đạo… người Nhật còn có một loại hình nghệ thuật thưởng thức hương trầm truyền thống được gọi là “Ko-do”, nghĩa là “hương đạo”. So với các hình thức nghệ thuật khác của Nhật được truyền bá ra thế giới thì hương đạo ít phổ biến hơn.

Hương đạo là một nghi lễ thưởng thức hương trầm truyền thống chỉ có tại Nhật Bản. Ngoài ra, nó còn là hình thức giải trí, vừa giúp tinh thần minh mẫn, vừa là cuộc đấu trí giữa những người tham gia xem ai có khả năng phân biệt chính xác nhiều loại mùi hương khác nhau.

Người Nhật phân chia hương thơm ra thành nhiều nhóm. Trước tiên là mùi hương ngọt ngào, chẳng hạn như hương của mật ong. Thứ hai là hương thơm mang vị đắng. Đó là mùi hương của vỏ cam, quýt khô được nung trên than hồng. Thứ ba là hương của vị cay nồng. Nó có thể là hương thơm của tiêu hoặc ớt… Thứ tư là mùi hương mang vị chua. Mùi hương này xuất phát từ những loại quả ngâm chua. Thứ năm là hương của vị mặn. Đại diện của nó là hương thơm mặn nồng của rong biển khi được đốt trên lửa than.
Người tham dự các buổi lễ trong hương đạo cần nắm bắt đặc điểm riêng của 5 nhóm mùi hương trên để nhận biết chính xác từng loại hương thơm. Hương đạo được đánh giá là cuộc tranh tài tao nhã, trong đó, mọi người cố gắng đưa ra phán đoán đúng nhất về mùi hương của từng loại trầm

Tại Nhật, có một trò chơi đoán mùi hương rất thú vị gọi là “Gen-ji ko”. Mỗi câu trả lời của trò chơi này tương ứng với tên của một chương trong “Truyện kể Gen-ji” – một tác phẩm văn học cổ điển Nhật Bản ra đời vào thời Heian.
Trong “Gen-ji ko”, người quản trò chuẩn bị 5 chén hương trầm, trong đó, mùi hương của chúng có cái giống nhau, có cái khác nhau hoặc giống và khác nhau hoàn toàn. Người chơi lần lượt nghe qua từng mùi hương, sau đó dùng hồi ức của khứu giác để trả lời mùi hương thứ mấy trong số đó giống nhau và khác nhau. Câu trả lời được viết trên giấy bằng 5 vạch thẳng đứng. Mùi hương nào giống nhau sẽ được liên kết với nhau bằng một vạch ngang ở trên đỉnh của 5 vạch thẳng. Nếu khác nhau thì không có liên kết.
Trong “Gen-ji ko” có tất cả 52 đáp án, mỗi đáp án tương đương với mỗi tựa đề của 52 trong số 54 chương của Truyện kể Genji.

Ngày xưa, Gen-ji ko được đánh giá là trò tiêu khiển thú vị trong thế giới văn hóa cung đình của Nhật Bản. Hiện nay, trò chơi này vẫn được gìn giữ và phát triển trong xã hội hiện đại Nhật Bản.
Thói quen dùng hương trầm đã xuất hiện tại Nhật vào thế kỉ thứ XI, cùng thời điểm đạo Phật truyền bá đến quốc gia này. Khi mới du nhập vào Nhật, hương trầm chỉ được sử dụng trong các nghi thức của Thần đạo và Phật giáo.

Đến thế kỉ thứ IX, vào thời Heian, trầm hương đã vượt ra khỏi khuôn khổ của tôn giáo và trở thành hương liệu rất được ưa chuộng vì mùi thơm thanh nhã. Hương trầm nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong giới quí tộc.
Loại hương được dùng chủ yếu lúc bấy giờ là Ne-ri-ko – một loại hương có dạng viên, được pha chế từ trầm hương trộn với mật ong hoặc một số phụ liệu khác. Giới quí tộc thời Heian rất thích đốt trầm trong nhà hoặc thư phòng để giúp tinh thần minh mẫn, tạo không gian thơm dịu và để hương thơm quyện vào y phục.
alt
Từ sau thế kỉ XIII, việc sử dụng Ne-ri-ko không còn thịnh hành, người Nhật chuyển sang dùng những mảnh gỗ trầm hương nguyên chất vì thích hương thơm tự nhiên của nó.

Cuối thời Mu-ro-ma-chi, khoảng thế kỉ XVI, hai nhà văn hóa lúc bấy giờ là San-jo-ni-shi Sa-ne-ta-ka và Shi-no So-shin đã tập trung phát triển một loại hình văn hóa mới gọi là Hương đạo.
Hương đạo không đơn thuần là nghệ thuật thưởng thức hương trầm, mà nó là sự kết hợp của thế giới thơ ca và văn học Nhật Bản. Sau khi nghe qua mùi hương, những người tham dự một buổi hương đạo sẽ phân định xuất xứ, lai lịch, đặc tính của từng loại trầm được dùng. Ngoài khả năng thưởng thức hương trầm, họ còn có kiến thức văn hoá và khả năng cảm thụ cái đẹp.

Trong buổi hương đạo, trầm sẽ được xông lên hết loại này đến loại khác, giống như những vế khác nhau trong một bài thơ liên ca của Nhật Bản. Mỗi lần trầm được xông lên, người tham dự phải làm một vế thơ tán thưởng mùi hương, đồng thời phải nhắc đúng tên loại trầm vừa đốt. Sau buổi hương đạo, người ta sẽ có một bài thơ liên ca nhiều vế về các mùi hương trầm.

Đến thế kỉ XVII, vào thời Edo, Hương đạo phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản. Để phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần này, người ta bắt đầu chế tạo nhiều vật dụng có liên quan đến Hương đạo. Đó là sự ra đời của những chiếc chén đốt trầm, những chiếc hộp đựng bằng sơn mài hay mạ vàng cùng với kỹ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn cầu kì.

Nhiều trường phái Hương đạo khác nhau cũng lần lượt xuất hiện và Hương đạo trở nên phổ biến trong dân chúng. Thời điểm này được đánh giá là giai đoạn hoàng kim của Hương đạo.

Gần đây, các lớp học Hương đạo được mở ra ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật. Các đại hội Hương đạo toàn quốc cũng được tổ chức. Văn hóa thưởng thức mùi hương phong nhã này đang dần thịnh hành trở lại xã hội Nhật Bản.

Hiện nay, Hương đạo có hai trường phái chính, trong đó trường phái Shi-no có lịch sử tồn tại liên tục trong 500 năm qua. Cùng với Gen-ji ko, Mei-ko a-wa-se là trò chơi đoán hương trầm truyền thống của phái Hương đạo Shi-no. Mei-ko a-wa-se là cuộc tranh tài dành cho những người có kiến thức sâu về Hương đạo. Trong trò chơi này, người tham dự sẽ phán đoán khí chất tốt của mùi hương được đốt lên từ loại trầm hảo hạng và sau đó làm thơ có liên quan đến hương thơm đó.

Hương đạo vừa phản ánh chiều sâu văn hoá của người thưởng thức, vừa thể hiện vẻ đẹp huyền ảo của hương trầm. Hương đạo cũng là phương tiện diễn tả nhiều chủ đề văn học khác nhau. Những yếu tố đó đã tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo cho nghệ thuật Hương đạo Nhật Bản – một nghệ thuật không có ở bất kì một quốc gia, dân tộc nào khác trên thế giới.

Công ty tư vấn GD&ĐT Nam Á. (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét