Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Hương Đạo - cảm nhận cuộc sống qua những mùi hương


Người Nhật vốn nổi tiếng là biết biến những thú vui bình thường nhất thành nghệ thuật. Nghệ thuật cắm hoa, thưởng thức trà đạo, kiếm đạo hay thư pháp của họ đã nổi tiếng thế giới. Nhưng nghệ thuật Hương đạo thì vẫn còn xa lạ và mới mẻ.
Hương Đạo - Nghệ thuật cầu kỳ và kén người thưởng thức.
Gần 30 con người tụ tập trong một căn phòng rộng chừng 30 mét vuông tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản. Trước mặt họ là những chiếc lư bằng đất nung nhỏ. Nghệ nhân trong bộ trang phục truyền thống kimono Nhật Bản hướng dẫn các học viên lựa chọn mảnh hương, châm lửa, dùng tay phải cầm lư hương đặt vào lòng bàn tay trái, từ từ đưa lên mũi. Bàn tay phải chụm lại thành hình ống để hương không tản ra ngoài.
Học viên nhắm mắt, giữ cho đầu óc thật thanh thản và thoải mái, hít sâu 3 - 4 lần để mùi hương nhẹ nhàng lan tỏa trong các khứu giác. Cứ như thế lặp đi lặp lại với nhiều mùi khác nhau.
Có đến hơn 100 loại mùi để học viên lựa chọn, phân chia theo 5 vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Nhiều như vậy nhưng để cảm nhận sự khác nhau giữa các mùi là không dễ dàng.
“Phải có khứu giác tốt và khả năng tập trung cao. Những hương vị nếu chỉ ngửi qua sẽ rất khó phân biệt. Học viên phải ngửi thật kỹ mới thấy khác nhau một chút. Theo quan điểm cá nhân, đây là một nghệ thuật vô cùng đặc sắc mà không phải nền văn hóa nào cũng có được. Nghệ thuật này khá cầu kỳ và kén người thưởng thức” - Vũ Hải Anh, học viên được điểm cao nhất của buổi học hôm đó cho biết.
Đó là qui trình thưởng thức mùi hương của nghệ thuật Hương Đạo. Giống như những loại hình nghệ thuật nổi tiếng khác của Nhật Bản như trà đạo, kiếm đạo, thư đạo... bản chất của môn này đều là tìm đến cái gốc của "đạo".
Thưởng thức hương đạo không đơn thuần là cảm nhận mùi hương mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa của người thưởng thức, là một phương tiện hữu hiệu giúp cho tâm hồn thư thái. Những niềm vui nhỏ khi phân biệt được các loại hương khiến cho tâm hồn con người thêm lạc quan và yêu đời.
Hương Đạo là một nghệ thuật cổ xưa, bắt đầu từ cách đây hơn 500 năm. Thế kỷ 16, một mảnh gỗ trôi dạt vào bờ biển đảo Asawa, người Nhật nhặt được, đốt lên và họ vô cùng bất ngờ về mùi hương dễ chịu tỏa ra từ mảnh gỗ và từ đó điều này trở thành một tập tục thú vị.
Thế kỷ 17, 18, với sự du nhập và phổ biến đạo Phật từ Trung Quốc, người Nhật kết hợp với nghi lễ dâng hương, phát triển thành Hương Đạo, tức là "thưởng thức hương thơm trong đời sống hàng ngày". Đó cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Hương Đạo.
Sang thế kỷ thứ 19, do những yếu tố khách quan cũng như những khắt khe trong quá trình thực hiện mà những người theo trường phái Hương Đạo ngày càng ít. Theo một thống kê, dân số nước Nhật là 127 triệu người thì chỉ có khoảng 1.500 người là còn biết đến môn nghệ thuật này, chiếm tỉ lệ chưa đến 0,001%.
Tuy nhiên, không vì ít người mà Hương Đạo bị mai một. Những người theo nghệ thuật Hương Đạo dù ít nhưng họ biết cách bảo tồn một cách tốt nhất môn nghệ thuật truyền thống cổ xưa này và không ngừng giới thiệu tinh hoa của nghệ thuật Hương Đạo đến mọi người. 
Một điều ngạc nhiên là có một loại gỗ chủ đạo của Hương Đạo lại có nguồn gốc từ trầm hương của Việt Nam. Vừa qua, 7 nghệ nhân Hương Đạo câu lạc bộ Kashiwa đã đến Việt Nam. Bà Imaizumi Fusako, chủ tịch CLB Hương đạo Kashiwa chia sẻ: “Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, ngoài việc giới thiệu nghệ thuật Hương Đạo Nhật Bản, đoàn còn tìm đến nguồn gốc cây gỗ kyara, vì Việt Nam là quê hương của cây gỗ kyara, một trong 6 loại mùi hương cơ bản của nghệ thuật Hương Đạo”.
Là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, người Nhật cũng rất nổi tiếng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hình ảnh một nguyên thủ quốc gia mặc bộ trang phục truyền thống Hakama dành cho nam giới đi chùa không phải là hiếm. Có lẽ, việc tìm ra những giá trị thâm thúy và tinh tế nhất, đúc kết thành đạo là cách thức người Nhật làm để gìn giữ những nét đẹp văn hóa của mình.
“Đất nước Nhật Bản rất nổi tiếng với các loại đạo như trà đạo, kiếm đạo, hoa đạo… Muốn bảo tồn những môn nghệ  thuật cổ xưa, điều quan trọng không phải là dạy cho thế hệ trẻ những kỹ năng hay kỹ thuật để thực hành chúng, mà phải làm sao cho họ hiểu được những tầng sâu văn hóa, những giá trị tinh túy ẩn sâu trong đó. Điều đó sẽ làm đẹp tâm hồn, giúp cho nhân cách của mỗi người thêm giàu có. Đó chính là cách người Nhật làm để lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống” - Bà Fusako cho biết thêm.
Người Nhật và cách thức họ đã làm với Hương Đạo, Trà Đạo, Kiếm Đạo, Hoa Đạo... phải chăng là một gợi ý cho các nhà quản lý văn hóa Việt Nam trong việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa thuần Việt./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét