Trong chuyến công tác tại tỉnh Đắk Nông mới đây, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy hàng đoàn xe chuyên chở khoai lang về các địa điểm trung tâm để xuất khẩu. Hỏi ra mới biết, đó là giống khoai lang Nhật Bản – loại cây đang được người nông dân ở tỉnh này coi là cây “siêu lợi nhuận” do được mùa, trúng giá.
ĐỔI ĐỜI NHỜ KHOAI LANG
Cầm những củ khoai nặng đến 3 lạng, anh Nguyễn Văn Diện ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức cho biết, vụ này gia đình anh trúng lớn. Với diện tích 1,4 ha đất giao khoán của Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16), anh trồng 1,4 ha khoai lang Nhật Bản. Những năm trước, do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên củ ít lại rất nhỏ, chỉ đạt khoảng trên 13 tấn/ha. Năm nay, tuy chưa thu hết vụ 2 nhưng anh Diện dự tính cũng đạt khoảng 17 tấn/ha. Với giá bán bình quân từ 5.000-6.000 đồng/kg, gia đình anh cầm chắc 120 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí và chưa kể đến việc bán dây giống cho nông dân ở các địa phương khác đến mua.
Khoai được đóng từng gói để chuyển về các đại lý vệ tinh |
“Chỉ trồng được 0,5 ha khoai lang, nhưng đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi cũng đã thu được gần 7 tấn. Tuy giá phân bón, công dỡ khoai cao hơn năm trước nhưng vẫn còn lãi lớn, dự tính khoảng 45 triệu đồng sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc” – chị Cao Thị Hòa ở xã Quảng Tâm hồ hởi khoe. Cộng với 1,46 ha cà phê nhận khoán của Trung đoàn 726, hàng năm gia đình chị Hòa có nguồn thu khoảng hơn 200 triệu đồng.
Sau nhiều năm trồng cà phê chè, bắp nhưng hiệu quả kinh tế không cao, chị Cao Thị Hiếu ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chuyển sang trồng khoai lang. Ban đầu gia đình chị trồng thử nghiệm 1 ha, nhưng thấy nguồn lợi từ giống khoai lang Nhật Bản mang lại cao nên mở rộng lên 2 ha. Nhờ thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu thuận lợi, nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên vụ này gia đình chị dự tính thu về khoảng 200 triệu đồng. “Hết vụ khoai này, tôi sẽ thuê đất để trồng khoai. Dù giá có thấp hơn thì vẫn có lãi” – chị Hiếu quả quyết.
Ngay như đơn vị đang thực hiện dự án kinh tế – quốc phòng Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) đóng trên địa bàn huyện Tuy Đức cũng vận động cán bộ, công nhân, người lao động tận dụng đất trống, bờ lô, đầm để trồng khoai. Chỉ tính trong 3 năm (2008-2011), người lao động ở trung đoàn này đã thu lợi tiền tỷ từ 2.800 tấn khoai lang Nhật Bản. Công nhân, người lao động đã thoát nghèo, trở nên khấm khá từ lương và nguồn thu nhập tăng thêm nhờ trồng khoai lang Nhật Bản.
GIỮ THƯƠNG HIỆU CHO KHOAI
Trước đây, do chưa quan tâm, chú trọng xây dựng được thương hiệu nên khoai lang Nhật Bản chỉ được coi là loại cây xóa đói giảm nghèo cho người dân các huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, theo đại tá Trần Văn Hà, Chính ủy trung đoàn 726 (Binh đoàn 16), bốn năm trở lại đây, nhờ thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên khoai lang Nhật Bản đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân trong tỉnh. Có ưu thế về năng suất, giá trị hàng hóa cao nên giống khoai lang này không những giúp người dân mau chóng xóa đói giảm nghèo mà còn tham gia vào mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông.
Huyện Tuy Đức hiện có rất nhiều đại lý vệ tinh của Công ty D.J.F (Nhật Bản) và của các công ty thuộc Đài Loan, Malaysia. Khoai sau khi thu mua được vận chuyển về nhà máy tại những thành phố lớn, từ đây sẽ chế biến ra thành phẩm và xuất qua các công ty mẹ để làm bánh, kẹo, mứt… Vì vậy, chỉ riêng huyện Tuy Đức đã có khoảng 2.000 ha đất chỉ trồng giống khoai này. Một năm có thể trồng được 2-3 vụ khoai. Nếu thực hiện đúng quy trình về chọn giống, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt thì sau 3 tháng năng suất sẽ đạt từ 15-20 tấn/ha.
Một ngày cùng đi với những người dân ở các xã Quảng Tâm, Quảng Trực của huyện Tuy Đức, chúng tôi nhận thấy, người dân trồng khoai lang Nhật Bản ở đây đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và giữ vững thương hiệu, luôn chú ý để bảo đảm chất lượng của sản phẩm. “Không phải thu hoạch khoai thế nào cũng được mà phải dỡ bằng tay để củ không bị xây xát. Thu hoạch xong phải làm sạch, đóng gói cẩn thận trong bao ni-lon hoặc thùng nhựa rồi mới bán. Như vậy giá mới cao và giữ được uy tín với các công ty thu mua” – anh Nguyễn Văn Diện cho biết. Do đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào những ngày mưa, nhiều người dân ở đội 4, xã Quảng Tâm phải chở từng bao vượt qua chặng đường 6,5km ra trung tâm để bảo đảm cho khoai không bị gãy dập, xây xát.
THẬN TRỌNG VỚI LOẠI CÂY TRỒNG MỚI
Trong những ngày công tác tại huyện Tuy Đức, chúng tôi gặp khá nhiều người dân ở huyện Bù Đăng, thị xã Phước Long đến tham quan, tìm hiểu cách trồng, chăm sóc và thu hoạch giống khoai lang Nhật Bản.
Sau hai ngày tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Sơn Quý, xã Phú Sơn (Bù Đăng) cho biết: “Tôi thấy việc chọn giống, cách trồng và chăm sóc đòi hỏi phải có kỹ thuật, theo đúng quy trình. Khoai lại dễ bị bệnh đục thân, dẫn đến ít củ, chất bột thấp nên hiệu quả mang lại không cao. Tôi chỉ thăm cho biết rồi mua ít dây về trồng thử dưới tán cà phê và luống cao su chứ không dám mạo hiểm trồng nhiều”.
Ông Doãn Văn Chiến, Phó chi cục trưởng chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cũng khuyến cáo: Người dân cần thận trọng với các loại cây trồng mới. Nếu trồng cần tham khảo về điều kiện khí hậu, đất đai liệu có phù hợp với tỉnh Bình Phước hay không và nên trồng với diện tích nhỏ, tận dụng dưới tán điều, cà phê, cao su… Điều rất quan trọng là đầu ra của sản phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có một đại lý hay điểm thu mua loại khoai lang này. Về góc độ quản lý nhà nước, ngành sẽ tiến hành khảo sát thực tế. Nếu thực sự hiệu quả và có đầu ra ổn định, ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
(Theo Báo Bình Phước)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét