Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Xã Tự nhiên - Thường Tín - Hà Nội

Trước đây làng Tự  Nhiên có tên gọi là làng Gòi, thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là xã Tự  Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội, cách thủ đô Hà Nội trên 20km về phía Nam.
Làng nằm trên bãi bồi của ven sông Hồng. Khi nhắc đến làng mình, người dân vẫn dùng bốn chữ Tự Nhiên châu xã như ý muốn nhắc nhở sự liên quan của làng với truyền thuyết vào loại đẹp nhất của văn hóa dân gian Việt Nam.
Trước năm 1945, “xã này có ba thôn: thôn Thượng, thôn Hạ và một thôn Thủy Cơ, dân chúng thôn này sống thành một xóm chài trên mặt sông Hồng, và lấy nghề đánh cá làm nghề độ nhật, mang danh thôn Thủy Tộc. Cả ba thôn, mỗi thôn đều có một ngôi đình, đình hai thôn Thượng, Hạ, từ xưa vẫn xây trên bãi đất làng, còn đình hai thôn Thủy Tộc trước đây cất trên một bè lớn, về sau cũng xây nơi đất làng, ở ngay ven sông trên bờ, nơi trông xuống thuyền bè của dân thôn1. Các bô lão ở xã Tự Nhiên kể rằng, ngày xưa khu này vốn là bãi sậy, về sau dân cư các nơi kéo về làm ăn. Thuở ban đầu, có lẽ nghề chính của cư dân là đánh cá như lời kể của các cụ. Thời trước 1945 có một thôn làm nghề này và cho đến nay cũng vẫn còn mấy chục hộ làm nghề đánh cá trên sông Hồng.
Bởi vậy, cư dân Tự Nhiên hiện tại, có lẽ là hậu duệ của những cư dân làm nghề đánh cá lên bờ!?
Bên kia sông là Đa Hòa, xế chút nữa là Dạ Trạch, nơi ghi dấu truyền thuyết về Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. Bên này sông là bãi cát Tự Nhiên, có cây gạo, nơi thuở xưa công chúa Tiên Dung gặp gỡ chàng trai nghèo Chử Đồng Tử.
Người xưa kể rằng: Đời vua Hùng thứ 18 (có tài liệu chép là đời thứ 3) nhà vua có một người con gái tên là Tiên Dung. Nàng mười tám tuổi, nhan sắc tuyệt trần, nhưng lại không có ý định lấy chồng. Nàng chỉ thích ngao du, thăm những danh lam thắng cảnh của đất nước. Vua cha chiều con để nàng dạo chơi tùy ý. Hàng năm vào tháng hai, tháng ba, công chúa đi thuyền tam bản trên sông theo hướng làng Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội).
Bấy giờ trong làng ấy có gia đình ông Chử Vi Văn và bà Bùi Thị Gia. Hai người sinh được một trai đặt tên là Chử Đồng Tử. Người vợ chẳng may mất sớm, hai cha con nuôi lẫn nhau. Một ngày nọ, hỏa hoạn thiêu cháy toàn bộ gia tài, hai cha con chỉ còn độc một cái khố vải. Vì thế, chỉ khi ai đi đâu mới được dùng khố. Một ngày kia Chử Vi Văn ốm nặng, ông dặn con: "Khi nào cha chết, con cứ chôn mình trần, giữ cái khố mà mặc". Cha mất, không đang tâm để cha thân trần, Chử Đồng Tử lấy khố quấn cho cha trước khi chôn, còn mình đành ở trần, chịu rét và đói. Hàng ngày chàng ra bờ sông, cho nước ngập tới nửa người, để che phần dưới trần trụi, đợi các thuyền buôn để xin của bố thí, hoặc bán vài con cá mà chàng bắt được.
Một hôm công chúa Tiên Dung đi thuyền đến đỗ ở bến sông nọ. Cồng chiêng nổi lên, đàn sáo hòa nhịp, cờ lọng rợp trời, tùy tùng hộ tống nàng đông đảo. Chử Đồng Tử thấy thế sợ quá, chạy trốn lên một bãi cát lỗ chỗ những bụi cây. Chàng bới một cái hố, vùi mình xuống cát. Nàng công chúa dừng lại chính nơi đó. Thấy cảnh tươi đẹp, nàng bước đến mô cát để được ngắm cảnh rõ hơn. Cảm thấy là nơi sạch sẽ, nàng nảy ra ý định tắm mát. Thế là màn được che lên bốn phía cho Tiên Dung ở trong đó. Cởi quần áo, nàng dội nuớc lên người. Buổi tắm kéo dài, nước chảy làm trôi cát, để lộ ra thân hình một người đàn ông. Nàng bàng hoàng, nhưng rồi trấn tĩnh được hỏi chuyện anh ta. Sau phút sợ hãi. Chử Đồng Tử kể lại với nàng về cuộc đời khổ cực của mình. Nghe xong công chúa nói: "Ta nguyện không lấy chồng, nhưng nay cơ sự thế này chắc là nguyệt lão xe duyên cho chúng ta".
Nàng bảo Chử Đồng Tử tắm rửa, đưa quần áo cho chàng và dẫn chàng xuống thuyền mở tiệc vui. Cả đám tùy tùng đều thấy đây là chuyện kỳ ngộ phi thường. Chử Đồng Tử không dám chấp nhận cuộc hôn nhân, Tiên Dung bảo: "Chúng ta gặp nhau như thế là do ý trời sao dám cưỡng lại?". Đồng Tử đành phải thuận, hai người thành vợ thành chồng. Có người mang chuyện về tâu với Hùng Vương, nhà vua nổi cơn thịnh nộ quát lên: "Tiên Dung không biết trọng danh giá! Nó đi lang thang rồi lấy một đứa cùng đinh. Còn mặt mũi nào nhìn thấy ta nữa!"
Trước cảnh ấy, Tiên Dung không dám về cung. Cùng với chồng, nàng mở một hiệu buôn bán trong vùng. Vùng đó ngày càng thịnh vượng. Dân cư tập trung đông đúc. Nhiều nhà buôn nước ngoài đến mua đều xem nàng như người đứng đầu trong vùng. Một hôm có nhà buôn nói với nàng: "Nếu bà có trăm lạng vàng, bà cho một người đi cùng với tôi. Chúng tôi sẽ ra bờ biển mua vật quí về cho bà và năm sau bà sẽ lãi gấp năm gấp mười". Tiên Dung hài lòng nói với chồng: "Trời đã xe duyên cho chúng ta, trời đã cho đồ ăn thức mặc. Và nay trời lại sai người bày đường cho ta. Điều ấy rất hay, xin chàng mang vàng ra biển đi buôn một chuyến!".
Đồng Tử mang vàng đi với người khách buôn nước ngoài. Tới núi Quỳnh Lăng, chàng thấy một am sơ sài dựng tít ở trên đỉnh núi. Chàng trèo lên ngắm cảnh. Trong am có một nhà sư trẻ tuổi tên là Phật Quang (có tài liệu ghi là Ngưỡng Quang). Thấy Đồng Tử có dáng người tiên cốt, nhà sư bèn truyền đạo pháp. Đồng Tử nhận lời ở lại học đạo, sau một năm mới về nhà. Phật Quang đưa cho chàng một cái gậy và một cái nón và dặn: "Những quyền phép màu nhiệm ở cả trong gậy và nón này".
Đồng Tử nhận quà và cáo biệt, về nhà truyền đạo cho vợ. Tiên Dung giác ngộ, bỏ nghề buôn bán. Hai vợ chồng lại cùng nhau đi học đạo.
Một ngày kia, đang ở giữa chặng đường xa thì trời tối, hai vợ chồng chưa tìm được nơi nào nghỉ ngơi. Đồng Tử cắm chiếc gậy ở ven đường và treo nón lên. Đến đêm chừng khoảng canh ba, một tòa thành kiên cố bỗng từ dưới đất mọc lên với những ngôi nhà nhiều tầng xây bằng đá quí, lâu đài dát châu báu, giường chạm trổ, màn chướng tre đầy. Những tớ trai hầu gái chầu chực và cả một đội quân cấm vệ giữ gìn trật tự. Ngoài ra lại có các quan văn, quan võ cai quản tòa thành, như một vương quốc thực thụ. Sớm sau, dân trong vùng thấy sự lạ, đều sợ hãi, kính cẩn đưa nhau mang lễ vật dâng cho hai vợ chồng Chử Đồng Tử.
Tin đồn về kinh đô, vua Hùng cho là Tiên Dung và Chử Đồng Tử là những kẻ phản loạn. Vua sai binh mã đến, trị tội, bắt phải qui hàng. Binh lính nhà vua gần tới nơi, những người thân cận xin công chúa cho quân ra chống cự. Tiên Dung mỉm cười nói: "Ta có gây nên cơ sự này đâu. Mọi việc đều do ý trời cả. Ta sống hay chết cũng nhờ trời. Làm sao ta dám chống cự lại vua cha. Ta chỉ theo lẽ phải có hề chi đâu! Còn nếu cha ta phán quyết ta ta cũng cam chịu".
Khi binh lính của nhà vua đến châu Tự Nhiên (nay là xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín) chỉ còn cách tòa thành kỳ diệu kia một nhánh sông thì trời tối. Thấy quá muộn, đội quân đóng lại trên bờ chưa vượt qua sông. Vào lúc nửa đêm, bỗng nổi lên một trận bão dữ dội. Cát bay tung lên, cây cối đổ giập. Và chỉ trong khoảnh khắc cả tòa thành, nhà cửa, người vật đều bay lên trời. Sáng ra người ta thấy một dải cát trơ chọi giữa đám đầm lầy mênh mông. Đời sau mọi người gọi nơi này là bãi Tự Nhiên và đầm lầy ấy là đầm Dạ Trạch.
Truyền thuyết ở vùng Khoái Châu cũng như thần tích do Nguyễn Bính soạn vào thế kỷ XVI còn có một đoạn nữa. Sau khi truyền đạo cho Tiên Dung, Chử Đồng Tử và phu nhân đi chu du. Một hôm, hai người đến địa điểm Ông Đình (nay thuộc huyện Châu Giang) bỗng gặp một người con gái khoảng 18, 19 tuổi, có nhan sắc tuyệt trần, đang đi cấy. Chử Đồng Tử đọc vui một nửa vế đối để đùa cợt. Chẳng dè người con gái đối lại vừa chỉnh vừa sâu sắc. Hỏi ra mới biết đó là người con gái làng Đông Kim (nay thuộc xã Đông Tảo, huyện Châu Giang. Tiên Dung bảo với Chử Đồng Tử: "Nàng đó, có phải chàng định lấy làm vợ bé chăng?". Đồng Tử mỉm cười, Tiên Dung hiểu ý bèn đến nói với cô gái rằng: "Nàng là tiên chăng? Hay người tục chăng? Lang quân ta là người tài mạo tuyệt vời, nàng làm thiếp cũng thật xứng thay, ta tuy là con gái vua nhưng không hề đố kỵ, không hề kiêu căng, ta với nàng làm chị em, cũng chẳng vui lắm sao!". Người con gái nọ nói: "Tôi chính là tiên nữ Tây cung, mà vợ chồng nàng đã học thành tiên, không hẹn mà gặp, do trời hay do người? ". Tiên Dung nói: "Do trời thôi", rồi kết làm chị em, Chử Đồng Tử làm lễ giao kết, mở yến tiệc vui vẻ. Lúc đó ở ấp Ông Đình có 5, 6 người bị chết vì bệnh dịch, Đồng Tử dùng gậy chỉ vào, những người chết đều sống lại. Vị phu nhân thứ hai của Chử Đồng Tử lấy một tờ giấy trắng viết chữ đỏ vào, đốt lên, lấy tàn cho những người bị bệnh dịch uống, hàng trăm người đều khỏi cả. Già trẻ làng Ông Đình kéo đến bái tạ, nhận làm tôi con. Rồi Chử Đồng Tử lại dùng gậy, nón hóa phép ra lâu đài, đền miếu trao cho dân đèn hương về sau. Ở làng Yên Vĩ cũng có dịch chết hơn 30 người, Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đều dùng phép cứu sống được cả. Ba người đi qua các vùng Kim Động, Tiên Lữ đều dùng gậy phép hóa ra đền miếu như vậy. Sau đó cả ba người đều bay về nhà trời.
Ở cõi trần vua Hùng phong sắc cho Chử Đồng Tử là Chử Đồng Tử đại vương chí thánh và nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa thượng đẳng tôn thần và Nội trạch Tây cung công chúa huyền diệu tôn thần.
Như vậy, truyền thuyết đã phát triển hoàn chỉnh, gắn bó với đầm Nhất Dạ, nơi mà mấy trăm năm sau Triệu Quang Phục lấy đó làm căn cứ cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương. Từ cõi trần, ba người buớc vào cõi thiêng, trở thành ba vị thánh bảo trợ cho cuộc sống của mỗi người, làng xóm, quốc gia, cộng đồng.
Truyền thuyết kể khi ở chằm này, thấy quân Lương không vui, Việt vương Triệu Quang Phục mới đốt hương cầu đảo, khấn vái trời đất thần kỳ thì: "thần nhân trong chằm là Chử Đồng Tử thường cưỡi rồng tự trời xuống, trút móng rồng cho vua, cài lên mũ đầu mâu để đánh giặc". Một truyền thuyết khác nữa lại kể khi giặc Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi đã quyết chí đi tìm minh chủ để mưu đồ giải phóng đất nuớc. Ông và Trần Nguyên Hãn đến cầu mộng ở đền thờ Chử Đồng Tử. Trong mộng, các ông được nghe nhiều chuyện lạ. Bà Tiên Dung từ chối không đi họp trên trời, vì ở nhà có khách quý, bỏ đi sợ thất lễ. Đầu canh năm các thần đi hội về, kể lại cho Tiên Dung biết trời đã định cho Lê Lợi làm vua nước Nam. Nhờ thế, anh em Nguyễn Trãi đã tìm về Lam Sơn tụ nghĩa. Hiện tại gia phả dòng họ Nguyễn Nhữ Soạn, người em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi ở Thanh Hóa, còn ghi bài văn cầu mộng của Nguyễn Trãi ở đền hóa Dạ Trạch.
Trong truyện trạng dân gian, Chử Đồng Tử còn giáng thế giúp Dương Đình Chung hiển đạt. Hồi thứ 9, 19 của truyện Trạng Lợn còn ghi lại sự việc này.
Ngoài đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, làng Tự  Nhiên xưa còn thờ Đào Thành, một tướng của Hai Bà Trưng.
Trước đây, Tự  Nhiên châu xã có hai đình: một đình Thượng, một đình Hạ. Và đình của thôn Thủy Tộc. Hiện chỉ còn lại một đình. Sát bến sông còn một ngôi đền nguyên ủy là đền thờ Hà Bá, quay về hướng Bắc.
Đình Thượng hiện sắp xếp cả ngai thờ của đình Hạ. Điện thờ của đình Thượng được chia làm hai, một bên là thờ đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, cạnh đức thánh là bà Tây Sa và bà Tiên Dung; một bên thờ Đào Thành, tướng của Hai Bà Trưng, mà người dân khi cúng khấn là đức thánh bản thổ, hai bên là hai bài vị mà khi lễ tết người ta chỉ thắp hương chứ không khấn.
Điện thần của đình Hạ, cũng được phối tự cả ở đây, ban thờ Chử Đồng Tử ở giữa, một bên là Tiên Dung công chúa, một bên là Tây Sa công chúa. Thanh gươm của đức thánh Chử Đồng Tử cũng được mang về đây, đặt trước bàn thờ đức thánh Chử Đồng Tử.
Nơi công chúa Tiên Dung về tắm, trước đây còn có một ngôi đền, đền Ngự Dội, nay không còn nữa.
Trước ngày lễ hội, người dân ngâm gạo để giã bánh dày. Việc chọn gạo được tiến hành rất cẩn thận, kĩ lưỡng.
Nghi thức chính của lễ hội xã Tự Nhiên là đám rước nước.
Đám rước nuớc của làng Tự Nhiên xưa cử hành ngày mồng một tháng tư rất long trọng với bảy long kiệu, đình Hạ ba kiệu và đình Thủy Tộc một kiệu (gồm 7 kiệu long đình và 7 kiệu nước).
Thôn Thượng và thôn Hạ, sở dĩ mỗi thôn có ba cỗ long kiệu là vì ở những nơi đây dành cho ba vị linh thần Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân, mỗi người một long kiệu, riêng thôn Thủy Tộc cũng thờ cả ba vị, nhưng họ rước trên một long kiệu với bài vị chung.
Bắt đầu từ đình thôn Thượng, đám rước đúng theo nghi trượng cổ truyền với một nghi vệ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng, cờ quạt, tàn lọng và bát âm nhã nhạc. Lúc bắt đầu, đám rước chỉ cử hành với dân thôn Thượng với ba cỗ kiệu của thôn này. Đám rước đi từ đình thôn Thượng tới đình thôn Hạ thì tạm ngừng để chờ dân thôn này cũng rước ba cỗ kiệu với các tự khí như thôn Thượng.
Rồi đám rước tiếp tục, thôn Thượng đi trước, thôn Hạ đi sau tiến thẳng nẻo sông Hồng. Khi tới ngã ba đường, nơi đường làng Tự Nhiên gặp con đuờng đi đến bến sông thì ở đây dân thôn Thủy Tộc đã sẵn sàng chờ đợi với cỗ kiệu của mình để đi tiếp vào sau đám rước, tiến ra bờ sông.
Tại bến sông, đã sẵn sàng bảy chiếc thuyền lớn, rước bảy chiếc kiệu nước ra giữa dòng sông để lấy nước trong dùng trong lễ mộc dục.
Quãng sông Hồng thuộc địa phận xã về phía hữu ngạn đã được dân làng cắm cọc và có thuyền chăng dây để ngăn cản thuyền bè qua lại. Cờ ngũ hành được trương lên ở khúc sông nơi bắt đầu vào và nơi rời khỏi địa phận làng để báo hiệu từ xa cho mọi thuyền bè xuôi ngược biết. Và dân làng cũng đã cắt người đứng sẵn trên thuyền từ sáng sớm, mỗi khi có thuyền bè đi qua đều ra hiệu để họ đi tránh về phía bên kia sông.
Bảy chiếc thuyền bơi ra giữa dòng sông Hồng, mang bảy cỗ kiệu trên thuyền có những cờ quạt và âm nhạc đi theo. Đến giữa dòng sông, cả ba thôn đều lấy nước để cho thôn mình dùng trong lễ mộc dục.
Lấy nước xong, đám rước quay trở về. Lúc này, khi bảy chiếc thuyền rước bảy chiếc kiệu nước cặp bến, kiệu thôn Thủy Tộc được rước lên đầu tiên, thứ đến ba chiếc kiệu thôn Hạ, rồi mới đến ba chiếc kiệu thôn Thượng .
Theo con đường cũ trở về, đám rước các kiệu đi theo thứ tự lúc ở sông lên. Đến ngã ba đường, nơi kiệu thôn Thủy Tộc đã nhập vào đám rước, ngừng lại rồi một lát sau thôn Thủy Tộc ruớc kiệu thôn mình về đình thôn. Hương chức ba thôn họp mặt trước khi kiệu thôn nào được rước về thôn đó, hương chức thôn Thủy Tộc đi tới vái lạy trước các kiệu hai thôn Thượng, Hạ và hương chức hai thôn này cũng tới vái lạy trước kiệu thôn Thủy Tộc.
Chờ cho kiệu thôn Thủy Tộc đi rồi, hai thôn Thượng, Hạ lại tiếp tục rước sau kiệu trở về, kiệu thôn Hạ đi trước, thôn Thượng đi sau. Đám rước trở về tới đình thôn Hạ thì dừng lại. Ở đây dân thôn hạ rước ba kiệu vào trong đình sau nghi thức bái lạy của hương chức thôn này trước ba kiệu của hương chức thôn kia.
Còn lại dân thôn Thượng với ba chiếc kiệu của thôn mình, họ tiếp tục đám rước cho đến đình thôn.
Đám rước chung của ba thôn rất nhộn nhịp tưng bừng với cờ quạt, tán, tàn phấp phới, chiêng trống ầm ĩ với những bản nhạc của phường bát âm. Dân chúng ba thôn đi theo đám rước tới tận bờ sông, họ chờ ở đó để lại đi theo đám ruớc thôn nào về đình thôn đó, khi các kiệu ra giữa sông lấy nước trở về(2).
Cùng với nghi thức ruớc, trừ thôn Thủy Tộc không có trò vui chơi, còn hai thôn Thượng, Hạ có tục vui chơi cờ bỏi và tổ tôm điếm.
Cờ bỏi cũng như cờ chiếu tướng, cái khác là cuộc chơi được tổ chức ngay ở sân đình. Quân cờ được làm thành những chiếc biển cắm xuống những lỗ đào sẵn. Những lỗ này được xếp đặt theo vị trí như trên bàn cờ.
Cách chơi cũng giống như chơi cờ trên bàn cờ. Muốn tham gia chơi cờ bỏi, các kỳ thủ phải đấu cờ bàn trước mấy trận, chỉ có những đấu thủ thắng cờ bàn mới được ra sân chơi cờ bỏi.
Người thắng cuộc được giải do dân làng tặng, có khi chỉ là vài bao trà, bánh pháo, vuông vải điều. Tuy vậy, người dự giải không để tâm đến giá trị vật chất của giải này, mà để tâm đến sự được hay thua của cuộc thi.
“Trọng tài” của cuộc thi là một người cầm chiếc trống khẩu, ông ta luôn luôn đánh trống để thúc giục các đấu thủ không được trì hoãn, không được làm chậm bước đi.
Mỗi ván cờ thắng, dân làng mừng bằng một bánh pháo.
Như vậy, cốt lõi của nghi thức trong lễ hội xã Tự Nhiên là việc rước nước. Mục đích chính của việc rước nước là lấy nước để làm lễ mộc dục cho đức Thánh cùng nhị vị phu nhân! Thực ra, chính đây là lớp tín ngưỡng còn sót lại của cư dân nông nghiệp. Biến thiên của truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung gắn bó mật thiết với văn hóa và cư dân ven sông Hồng. Dâu bể cuộc đời khiến cho các lớp phù sa ngoài đời và các lớp văn hóa trong một truyền thuyết được đọng dày làm cho chúng ta khó nhận ra diện mạo sơ khai của tín ngưỡng ở lễ hội này. Bắt đầu là miếu thờ Hà Bá ở ven sông. Cũng khó mà khẳng định tục thờ Hà Bá là của cư dân làm nghề đánh cá hay trồng lúa một cách minh định, rõ ràng được. Ngày hội, người dân vẫn có lễ vật và lời khấn “Đức quan Thủ chu Hà bá”. Từ ngôi đền ven sông đến ngôi đền thờ đức Thánh cùng nhị vị phu nhân có gì liên quan, đâu là sợi dây vạch nối cũng khó mà khẳng định được. Bởi vậy, tục lấy nước giữa sông Hồng, chính là tín hiệu để ta giải mã hiện tượng folklore này. Thời điểm của lễ hội Tự Nhiên là ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm, không gắn bó gì với cuộc đời, năm sinh, năm mất của đức Thánh cùng nhị vị phu nhân. Cho nên, ngay về mặt thời điểm mở hội, hội Tự Nhiên đã có những khác biệt so với các lễ hội dân gian khác. Ngày mở hội, theo dân gian, chính là ngày công chúa Tiên Dung đi dạo chơi, rồi dừng lại, quây màn tắm trên bãi cát này. Thực tế, ngày mở hội liên quan khá mật thiết với “nhân vật” được phụng thờ. Ở đây lại chỉ liên quan đến một khía cạnh của cuộc đời nhân vật. Vì thế, có thể nói, ngày mở hội của xã Tự Nhiên, chính là sự ảo hóa một tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Tháng tư âm lịch, trong vòng cây trồng của cư dân làm nghề nông, rất cần đến nước. Rước nước vừa là việc làm thực thi một nghi thức tín ngưỡng, vừa là việc làm thể hiện khát vọng của cư dân nơi đây. Việc đó gắn với truyền thuyết quen thuộc của folklore Việt Nam. Nét bản sắc văn hóa của lễ hội xã Tự Nhiên, việc thờ cúng một anh hùng văn hóa, tạo cho lễ hội những nét quý đáng trân trọng.
Cùng với những điều ấy phải kể tới việc giã bánh dày và bày bánh dày trên mâm lễ vật của ngày hội.
Tất cả những điều ấy tạo ra giá trị cho lễ hội xã Tự Nhiên. Giá trị ấy là sức sống khiến lễ hội tồn tại đến hôm nay.
Theo Lễ hội cổ truyền Hà Tây, Sở Văn hóa Thông tin Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét