Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Rau an toàn - Cái tâm của người sản xuất



( Nguồn: Báo Người tiêu dùng)
Từ lâu vấn đề sản xuất rau an toàn (RAT) đã được triển khai thực hiện ở nước ta, đặc biệt trong thời gian gần đây vấn đề RAT luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lí, cùng với đó là những đầu tư lớn về tài chính và công sức để xây dựng, các mô hình, các vùng  trồng RAT. Nhưng đến nay đây vẫn là vấn đề nóng, không chỉ với người trồng rau mà cả với người tiêu dùng.
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với nông sản nhất là rau xanh đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Vì rau là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày, là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng, vi lượng, chất xơ... cho cơ thể con người mà không thể thay thế. Việc ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư trên rau, đặc biệt là rau ăn lá đã gây ảnh hưởng không nhỏ trước mắt cũng như lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng.
 
Ngày nay do người trồng rau quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như sử dụng nước, đất ô nhiễm trong quá trình canh tác nên trong rau xanh tồn tại nhiều yếu tố độc hại có hại cho sức khoẻ của con người. Thời gian qua rau luôn là thủ phạm số một trong các vụ ngộ độc thức ăn. Cũng vì thế nỗi lo của người tiêu dùng về chất lượng rau ngày càng lớn, hơn lúc nào hết nhu cầu được sử dụng RAT của người tiêu dùng lại nhiều như hiện nay, nhu cầu này sẽ ngày càng tăng, đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Tại Hà Nội nhu cầu RAT khoảng 1.200 tấn/ngày. Không những thế người tiêu dùng còn sẵn sàng mua RAT với giá cao gấp 4-5 lần rau thông thường để được dùng RAT.
 
Hiện nay nhu cầu về RAT đã mang tính cấp thiết, nhưng có đến gần 74% lượng rau sản xuất theo quy trình an toàn phải bán trên thị trường, chỉ có 24% bán trong các cửa hàng, siêu thị RAT.
 
Nhu cầu của người tiêu dùng là thế, nhưng hiện nay đang tồn tại một nghịch lí là người trồng rau đang gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đặt ra  cho người trồng RAT là chi phí cho việc trồng RAT không rẻ, nếu không kịp thời có một lối ra cho sản phẩm RAT thì những nỗ lực từ trước đến nay sẽ bị đe dọa bởi lối trồng rau cũ. Không tìm được đầu ra cho sản phẩm khiến cho người trồng RAT phải lao đao thậm chí  phá sản, kể cả các doanh nghiệp có đầu tư về khoa học kĩ thuật, với một điển hình là mô hình sản xuất RAT được đánh giá là tiên tiến của Trung tâm Sao Việt (thuộc Công ty Cổ phần BVTVAn Giang) đã chấm dứt hoạt động do không thể cạnh tranh được với rau thường.
           
Như vậy có thể thấy rõ nghịch lí người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn về RAT nhưng không được đáp ứng, còn người trồng RAT thì không thể sống được với chính sản phẩm RAT của mình. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng này?           
 
Nguyên nhân của thực trạng nói trên xuất phát từ chính người trồng RAT.
 
Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất RAT đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong cả quá trình sản xuất. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đất trồng, nước tưới, khâu giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng chăm sóc, đến khâu thu hoạch tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định. Vì vậy đòi hỏi phải có một mô hình trồng RAT thích hợp mới đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định. Mô hình trồng RAT phổ biến hiện nay là các hợp tác xã (HTX) sản xuất RAT. Tuy nhiên, với các xã viên trong các HTX sản xuất RAT vốn quen với phương thức canh tác rau truyền thống, lại thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, quy mô nhỏ lẻ do đó việc đảm bảo đúng các tiêu chuẩn trồng RAT và tiêu thụ được sản phẩm trên thị trường là việc vô cùng khó khăn. Từ đó cho ra đời các sản phẩm RAT không thật sự đạt tiêu chuẩn quy định.
 
Hiện nay nhiều vùng trồng rau lại không được chứng nhận là RAT bởi không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu như sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới rau, hoặc rau được trồng trên đất nhiễm kim loại nặng. Theo một kết quả phân tích mới đây của Chi cục BVTV Hà Nội, trong tổng số 478 vùng sản xuất rau ở Hà Nội có đến 108 vùng không đạt các tiêu chuẩn an toàn về đất hoặc về nước. Bên cạnh đó tình trạng doanh nghiệp mua rau trôi nổi trên thị trường về, rồi đóng gói gián nhãn mác là RAT rất phổ biến…
          
Để rau an toàn thực sự có chỗ đứng trên thị trường không chỉ những người sản xuất rau cần đảm bảo đúng quy trình sản xuất rau an toàn để có những sản phẩm rau đạt chất lượng mà người tiêu dùng cũng phải nhận thức, bài trừ những sản phẩm rau không an toàn, hãy cùng lên án và tẩy chay những sản phẩm không đạt chất lượng, hay cửa hàng bán rau bán những sản phẩm không đúng cam kết.
                               Lê văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét