Đu đủ là cây ưa nắng do đó cần trồng khoảng cách và mật độ thích hợp (2 - 2,5m x 3m).
Không nên dùng phân hoá học và hạn chế tối đa phân đạm để bón cho đu đủ vì cây dễ bị lốp (tốt lá, xấu quả), dễ hấp dẫn côn trùng, gây ngộ độc cho người tiêu dùng do dư lượng nitrat (NO3) trong quả cao, gây đắng chát, dễ dẫn đến ung thư.
Nên bón nhiều phân chuồng, phân vi sinh, phân có nguồn gốc từ thực vật, động vật sau mỗi đợt thu quả nhằm tăng cường dinh dưỡng cho cây. Thường xuyên cung cấp đủ nước cho quả mau lớn, lớn đều. Khống chế chiều cao cây dưới 2m bằng cách cắt ngọn, trát bùn rơm hoặc bọc nylon để kích thích cây ra các ngọn mới. Chọn để lại 2 - 3 ngọn chồi mới khỏe mạnh phân đều về các hướng.
Không được trồng đu đủ liên tục nhiều vụ trên một diện tích vì dễ bị bệnh xoăn lá virus chưa có thuốc chữa. Nên luân canh với các cây trồng khác ít nhất 2 - 3 năm mới được trồng đu đủ lại.
Đu đủ “sợ” phân hóa học, phân đạm và ưa phân chuồng, phân vi sinh.
Để đu đủ có trái dài, năng suất cao cần chú ý các kỹ thuật sau:
Khi gieo hạt, chọn những hạt to, nặng và chìm khi thả trong nước để có cây con tốt, sau đó đưa cây con ra bầu để dưỡng thêm một thời gian, đem trồng mỗi mô 2 bầu. Sau khi trồng 2,5 - 3 tháng (tùy theo mùa) thì cây ra hoa. Bóc những hoa đầu tiên ra xem. Nếu thấy hoa có bầu noãn được bao bọc bởi các túi phấn hoa đực màu vàng thì đó là cây lưỡng tính, nên chọn trồng những cây này. Bởi cây lưỡng tính rất dễ đậu trái, năng suất cao, trái lại dài.
Nếu thực hiện được các bước trên một cách tỉ mỉ thì sẽ chọn được từ 98 - 100% cây trái dài. Nhớ khảo sát hoa sớm để kịp thời loại bỏ cây cái và cây đực, tránh cạnh tranh dinh dưỡng.
Khi đã chọn được cây như ý muốn thì cần chú ý khâu bón phân. Do cây đu đủ đời sống ngắn, sản lượng cao, ra hoa, trái quanh năm vì vậy đòi hỏi về phân rất lớn. Sử dụng lượng phân bón cho 1cây/năm như sau: Phân chuồng 3 - 5kg, phân urê 200g, super lân 500 - 600g, KCl 200 - 300g.
Đu đủ chín quanh năm nên phân bón chia làm nhiều đợt bón, khoảng 3 - 4 lần/năm. Có thể sử dụng dạng phân đơn hoặc phân hỗn hợp khác nhưng cần phải cân đối hàm lượng đạm, lân, kali. Bón đủ kali sẽ làm tăng chất lượng, đu đủ ngọt, giòn. Rễ đu đủ ăn nông, rất sợ bị chạm rễ, khi bón phân tốt nhất là rắc phân lên mặt đất, sau đó phủ rác, đất vụn lên trên (bùn phơi khô càng tốt).
ThS Nguyễn Thị Nguyệt - Dân Việt, 28/12/2012
Bí quyết trồng đu đủ
Anh Nguyễn Văn Minh thôn Song Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Tây) trồng đu đủ giỏi, cho thu nhập cao. Anh Minh cho hay: Cây đu đủ dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, rất sai quả, dễ bán. Tuy nhiên, đu đủ rất mẫn cảm với 2 loại bệnh khó trị là bệnh khảm xoăn lá do virút và bệnh thối rễ do nấm mà đến hiện nay chưa có cách gì chữa trị. Vì vậy, biện pháp tích cực nhất là nên trồng bằng các giống đu đủ lai F1 của Đài Loan, Thái Lan, Mỹ... như giống Hồng Phi, giống Trạng Nguyên... vừa cho năng suất cao, thu hoạch ngay trong vòng một năm rồi phá bỏ và chuyển sang trồng nơi đất mới để tránh nguồn bệnh lây lan. Mặt khác, khác với đất vùng đồi, đất các chân ruộng cao, đất ruộng lúa thường thấp, mực nước ngầm cao, độ ẩm đất thường lớn, do đó cần lên liếp cao hoặc đắp các mô, ụ đất cao để trồng, nhằm hạn chế bệnh thối rễ làm chết hàng loạt cây. Trên những kinh nghiệm đó hàng năm anh Minh chỉ trồng khoảng 2 sào trên nền đất ruộng đã được đắp mô cao. Thu hoạch xong anh lại phá bỏ trồng lại cây trồng khác để cải tạo và chuyển trồng đu đủ sang ruộng khác nên vườn đu đủ nhà anh hầu như ít bị sâu bệnh gây hại. Mỗi sào anh trồng từ 70-80 cây với khoảng cách: Cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2m, được đắp mô cao 40-50cm, đường kính mô khoảng 1m. Khâu bón lót đối với đu đủ là rất quan trọng, anh thường dùng phân chuồng hoai mục, phân rác, phân vi sinh và phân lân để bón lót trước khi trồng. Đu đủ đòi hỏi thâm canh cao, ít phân bón hay bị hạn là giảm sản lượng ngay, do đó cần tăng cường bón thúc và tưới nước, nhất là sau các đợt thu quả rộ. Cây giống được gieo ươm trong bầu vừa chủ động được thời vụ, vừa chọn lựa được những cây giống tốt, khỏe mạnh. Về thời vụ thì tùy theo thị hiếu người tiêu dùng, khả năng thị trường mà bố trí trồng cho phù hợp. Chỉ 4-6 tháng sau khi gieo hạt là cây ra hoa, kết trái; 3-4 tháng nữa là cho thu hoạch và cho thu hoạch liên tục hầu như quanh năm. Đu đủ có thể trồng được nhiều thời vụ: Trồng tháng 9-10 để thu quả từ tháng 5, thu rộ nhất tháng 7-8-9. Trồng tháng 3-4 để thu quả từ tháng 10-11, đặc biệt là để bán Tết được giá cao. Khi thu hái cần chú ý thu đúng độ già nhất định vừa cho sản lượng cao, vừa có điều kiện tuyển trái.
NNVN, 12/12/2003
Muốn đu đủ sai quả, lâu cỗi
Những người làm vườn giầu kinh nghiệm thường trồng đu đủ nơi mầu mỡ, cao ráo, cách mực nước ngầm thường xuyên từ 1,5m trở lên giúp rễ hoạt động thuận lợi.
Lựa chọn đu đủ cái ngay từ khi quả chín tự nhiên, chỉ lấy những hạt đen tuyền, chìm sâu tận đáy, loại những hạt lép, nổi sẽ đảm bảo cây cái vượt trội so với cây đực, những hạt cho cây đực còn lẫn sẽ cho cây đực khỏe, giao phấn tốt hoặc có thể điều khiển thành cây cái, cây lưỡng tính bằng cách cấn ngọn rễ cọc (hớt 1 phần 2 – 3cm thúc rễ chùm phát triển).
Loại ngay những cây giống khẳng khiu, thân thẳng tắp, èo uột, lá ít xẻ thùy. Chỉ đào đánh tạo bầu hoặc nhổ cây sau khi làm ẩm đất để "hưởng cái" nếu phát hiện cây đực (bằng cấn ngọn rễ cọc như trên). Sau đó nhúng bầu đất hoặc rễ vào tro bếp hoai hả (tro xó bếp) để "hồ" kích rễ "ăn ra" (tuyệt đối không được nhúng vào bùn tươi hoặc phân hóa học sẽ gây thâm rễ thối mầm).
Ra ngôi (trồng định vị) đu đủ cách gốc tối thiểu 3m để trưởng thành vừa khép tán, tránh "cây chạm lá" làm giảm năng suất và phẩm chất. Hố cần đào trước từ 10 – 15 ngày giúp đất hả, nỏ nâng cao điện ly giữa các hạt đất, sau khi ngấm nước trở lại sẽ giải phóng nhanh và nhiều khoáng dễ tiêu nuôi cây chóng "bốc".
"Nhử" rễ ăn ra bằng đất mầu tơi xốp (bùn khô hoặc sa bồi nỏ đập vụn trộn với phân hữu cơ hoai hả theo tỷ lệ 40% còn 10% là xỉ than đá nghiền thành bột và 10% là NPK vi sinh (nơi đất nghèo mầu).
Những cây cao quá 2m cần được chặt ngọn, trộn hỗn hợp phân trên làm ướt bao kín ngọn bằng nilon (tốt hơn quấn bùn rơm úp nồi đất như kinh nghiệm cổ truyền) ắt sẽ phân nhiều nhánh lộc mới ra quả ngay. Chọn tối đa 3 nhánh lệch xa nhau để nuôi, đu đủ "hồi xuân" lại tiếp tục cho năng suất vượt trội.
Trong mùa mưa bão cần tôn cao bóng tán để "nhử" rễ ăn lên, ấp đất cứng vào gốc. Nếu bị xiêu đổ cần dựng lại ngay thì rễ tái sinh nhanh, chắc gốc bền cây, liên tiếp cho bội thu.
NNVN, 8/2003
Để đu đủ sai và ngon, lâu cỗi
Đu đủ gồm nhiều giống, mỗi giống đều có 3 loại hình sinh sản đực, cái và lưỡng tính. Trong vườn, nếu trồng đại trà cây này thì nên để lại một vài cây đực (tỉ lệ 1/25-1/30 so với các loại hình còn lại) để có giao phấn chéo nhờ côn trùng, quả sai hơn so với tự thụ phấn.
Nên trồng nơi đất cao, dễ thoát nước khi tưới phun đẫm hoặc sau cơn mưa rào bởi đu đủ là cây có bộ rễ “ăn nổi” hiếu khí. Đu đủ là cây dễ chết nếu bị úng kéo dài từ 3-4 ngày trở lên. Song nếu gặp hạn kéo dài vài ba tuần trở lên thì lụi ngọn, hoa héo, quả quắt queo, chất lượng giảm sút.
Ưa dãi nắng nên khoảng cách gốc - gốc với đu đủ cần tối thiểu là 3m để tránh cạnh tranh sinh tồn do “cây chạm lá, rễ chạm rễ”. Trồng theo hàng cần đắp ụ và khơi rãnh xuôi theo địa hình, nước sẽ ngấm lên bóng tán nhờ thẩm thấu (mao dẫn) giúp bộ rễ "vừa ăn vừa thở" dễ dàng, khoẻ mạnh giúp cây bốc, kháng sâu bệnh tốt.
Không nên dùng phân hóa học (kỵ nhất là đạm) để bón cho đu đủ vì gây lốp (tốt lá xấu quả), hấp dẫn dịch hại và còn gây ngộ độc cho người và động vật, nhất là khi bị cớm do nồng độ và hàm lượng đạm tự do (NO3- tự do) tăng vọt, vừa là món "khoái khẩu" cho sâu bệnh, vừa dễ chuyển hóa thành chất gây ung thư cho người và động vật (vị đắng chát).
Nếu cây cao quá 2m, cần chặt ngọn, trát bùn rơm và bọc nilon (ngày xưa các cụ ta úp nồi đất) để tích chồi mới phát sinh, chọn 3-4 chồi khoẻ theo các hướng xa nhau để cho 3-4 ngọn mới, bồi dục cho đất nền bằng bùn khô + phân chuồng hoai mục (phân bắc tốt hơn cả) mỗi gốc 30-40kg thì tin chắc rằng sẽ kéo dài "tuổi xuân" cho cây đặc sản nhiệt đới này thêm 2-3 năm tiếp.
NTNN, 26/5/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét