Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Nỗ lực bình ổn giá tiêu dùng dịp cuối năm


Theo tin từ Sở Công Thương Hà Nội, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013, các doanh nghiệp trên địa bàn đang gấp rút chuẩn bị nguồn hàng, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến.
HN nỗ lực chuẩn bị để tránh khan hiếm nguồn hàng phục vụ tiêu dùng dịp Tết
Theo dự báo của Sở Công Thương, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn Hà Nội trong tháng Tết Quý Tỵ 2013 tăng khoảng 18-20% so với các tháng trong năm. Nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao trong thời điểm Noel, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

Mặc dù còn lo lắng về khả năng tiêu thụ hàng hóa trong dịp này nhưng hầu hết các đơn vị tham gia bình ổn thị trường đều cam kết bảo đảm nguồn cung với giá thành ổn định.

Hà Nội sẽ tập trung phân phối các sản phẩm thiết yếu tại 710 điểm bán hàng bình ổn giá và khoảng 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời, tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nông dân và công nhân. Các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, Big C, Co.op Mart, Intimex, Fivimart… dự trữ bán các loại hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ với tổng tiền hàng khoảng 2.300 tỉ đồng.

Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc dự trữ hơn 3.000 tấn gạo các loại. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dự trữ các nhóm hàng với tổng giá trị hơn 996 tỉ đồng. Các Công ty Cổ phần Xuất khẩu thực phẩm, Công ty CNTP Vinh Anh, TNHH Minh Hiền, TNHH Chăn nuôi Việt Hưng dự trữ khoảng 1.000 tấn thịt lợn sạch.

Đặc biệt, các làng nghề trên địa bàn thành phố tập trung sản xuất khoảng 2.000 tấn bánh kẹo, 100 tấn giò chả, 600 tấn miến, 3.000 tấn bột sắn, 150 tấn đỗ xanh, 300 tấn chè khô…

Ước tổng lượng hàng hóa dự trữ của các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP trị giá khoảng 6.000 tỉ đồng, đáp ứng 20-25% lượng nhu cầu tiêu dùng tăng thêm dịp Tết. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường là 2.000 tỉ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị nguồn hàng đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp cuối năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét