Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Kinh nghiệm trồng rau sạch ở Nhật Bản


Dưới đây là một số kinh nghiệm nhỏ của tôi về việc đi chợ và trồng rau trên đất Nhật, xin chia sẻ cùng các bạn du học sinh, sống và làm việc tại Nhật Bản.
Kinh nghiệm trồng rau muống ở Nhật

Từ trước tới nay tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ thích thú trồng rau, trồng cây, vì muốn ăn rau gì chỉ cần ra chợ là có, thế nhưng từ khi sang Nhật, bỗng dưng tôi lại trở thành một nông dân thực thụ. (Khánh Ngọc, Nhật Bản)

alt
Vườn rau muống xanh tốt trên đất Nhật Bản.
Người Nhật không ăn rau muống nhiều như người Việt mình, dù thỉnh thoảng cũng thấy siêu thị có bán rau muống, nhưng đắt vô cùng, một bó rau muống khoảng 10 cọng được bán với giá 150 yên (khoảng 40.000 đồng), hôm nào gặp may thì có thể mua được giá rẻ 100 yên (khoảng 27.000). Để ăn thoải mái như ở nhà thì chắc chỉ đủ tiền ăn rau chứ chẳng có tiền mua thức ăn khác. Nghĩ thế nên hai vợ chồng tôi lên kế hoạch tận dụng ban công nhà chung cư để trồng rau muống.

Hồi đầu không biết, cứ gieo hạt (mang từ Việt Nam sang) mà chờ đợi mòn mỏi chẳng thấy nảy mầm, tới khi quên béng là đã gieo hạt thì nó mới bắt đầu nảy, nhưng lớn rất chậm và còi cọc, lại hay bị sâu ăn hết cả ngọn. Nản quá mà không biết làm cách nào, tình cờ ra siêu thị lại thấy họ bán rất nhiều rau mầm, và là mầm rau muống, dùng để chế biến các món salad ăn sống, đặc biệt là còn nguyên rễ. Tôi mua thử về với hy vọng cắm xuống đất trồng là lên thành cây rau muống.

Quả nhiên là thành cây rau muống thật, cắm xuống đất, chịu khó tưới nước thường xuyên, chỉ 3 tuần sau là có rau muống ăn, chắc vì đây là mầm rau muống nảy mầm trên đất Nhật nên chịu được khí hậu Nhật, chứ không như hạt cây Việt Nam mang sang trồng không lớn lên nổi.

Mỗi lần thu hoạch là cả nhà tha hồ ăn rau muống, mà là ăn thoải mái không phải đắn đo suy nghĩ, vì một gói rau mầm chỉ có 100 yên nhưng ăn được 3 bữa rau muống đầy đặn. Vặt hết một lượt thì rau lại lên một lượt mới cũng trên phần thân cây còn lại, nhưng lần này thì chỉ thu hoạch được bằng một phần ba lần đầu nên thu hoạch xong lần hai thì phải nhổ hết đi rồi gieo đợt mầm khác thì mới có rau ăn.

Tuy thế, rau muống cũng chỉ trồng được vào mùa ấm, mà lên tốt nhất là mùa hè, tầm từ tháng 7 đến tháng 9. Mùa đông thì rau cũng chết hết, hoặc siêu thị lại không bán mầm rau muống nữa nên chẳng có nguồn cây giống, chúng tôi đành lại “nhịn” chờ đến “vụ” sau vậy.

Mầm rau muống bán ở siêu thị Nhật.
alt
Mầm rau muống bán ở siêu thị Nhật.
Trong lúc chờ đợi rau muống không lên nổi, thì nhà tôi trồng rau bí. Người Nhật chỉ ăn quả bí đỏ mà lại không ăn rau bí, nên nếu thèm rau bí, có cách là mua quả bí về ăn, còn hạt mang ra gieo cây, đảm bảo lên um tùm, và lên rất nhanh, với điều kiện mỗi ngày phải tưới ít nhất một xô nước to (cho khoảng 0,5m2 đất), nếu là mùa hè thì tưới gấp đôi. Quên tưới nước, cây sẽ còi, chậm lớn, hoặc dài lêu nghêu nhưng không ra hoa ra lá, tưới nước vo gạo cũng tốt vô cùng, nhưng nhà tôi hay quên lắm, nên thỉnh thoảng mới được một bữa nước gạo, còn đâu chỉ toàn nước lã thôi.

Rau bí có ưu điểm là gieo hạt rất mau nảy mầm, một khi đã nảy mầm thì rất nhanh được thu hoạch, nhưng có nhược điểm là phần thân già rất nhanh, ăn nhiều xơ, nên nếu tiếc rẻ cứ muốn cho cây vươn thêm nhiều cành con thì hầu như phần thân sẽ không ăn được, chỉ có lá và cành nhỏ thôi.

Nhưng với tôi thì như thế lại thật chuẩn, vì nhặt rau bí, khó nhất là phần thân, đằng này chỉ toàn phần cành nhỏ với lá, nên lại quá dễ dàng cho tôi. Có lần tôi còn làm được một bữa hoa bí nhồi thịt hấp, và còn ra cả quả bí con con nữa, nói vậy để biết là rau bí dễ trồng như thế nào. Mùa đông cũng có rau ăn, nhưng lên không được nhanh như mùa hè, và rau cũng hơi còi, do phải chống chọi cái rét, khô, hanh của mùa đông nước Nhật. Nhưng dù sao có cũng còn hơn không.

Câu chuyện ốc nấu chuối đậu
alt

Một bát ốc chuối đậu chắc hẳn sẽ làm các bạn đỡ nhớ quê nhà.
Đi xa, tôi chỉ toàn thèm những món Việt Nam dân dã, nhất là những món không có đủ nguyên liệu để nấu trên đất khách quê người, như món ốc nấu chuối đậu mà cả nhà tôi vẫn thích ăn.

Ở Nhật, thuỷ hải sản vô cùng phong phú về chủng loại nên ốc không phải là vấn đề, chỉ có chuối xanh là khó kiếm. Tất nhiên là nếu đặt hàng tại những cửa hàng thực phẩm Việt Nam thì cũng có thể có, nhưng đắt và hiếm vô cùng; còn siêu thị Nhật, thì mua được chuối xanh là điều không tưởng, mặc dù chuối bán ở Nhật đa số là chuối chưa chín vàng, mà còn hơi ương ương, và hầu hết là chuối nhập khẩu từ các nước nhiệt đới, nên tôi đoán chắc họ nhập chuối xanh rồi về ươm cho chín, thì mới tránh dập nát trên đường vận chuyển. Nhưng khi tôi hỏi người ta xem có chuối xanh bán không, thì chỉ toàn gặp những cái lắc đầu của người bán.

Ấy thế mà không ngờ lại có lúc mua được chuối xanh trên đất Nhật, nhưng một năm chỉ có duy nhất một đợt mà thôi, nghe hơi kỳ cục, nhưng là sự thật. Người Nhật mua chuối xanh về chỉ là để … thắp hương cho người quá cố vào dịp Obon tháng 8 hàng năm, như lễ thanh minh tảo mộ của người Việt, nên những siêu thị lớn đều có bán chuối xanh, mà bán cả một nải rất đều, rất đẹp, và quan trọng là rất rẻ chỉ khoảng 300 yên (80.000 tiền Việt) một nải 15 quả gì đó. Nhưng nếu bạn biết bình thường ở đây 198 yên một bịch chuối chín 5 quả thì sẽ thấy 300 yên một nải chuối xanh vẫn là quá rẻ.

Kinh nghiệm là phải tranh thủ mua luôn vài nải, nhà tôi thường mua hai nải, vì chỉ có hai vợ chồng nên mỗi lần ăn giỏi lắm cũng chỉ hết 5 quả, bọc từng quả vào giấy báo, cất vào ngăn đá tủ lạnh, để dành ăn dần những lúc cơn thèm nổi lên. Chất lượng của chuối xanh đông đá không khác là bao so với chuối xanh tươi đâu.

Còn hương vị “mẻ” đặc trưng của món này, tôi thay bằng sữa chua không đường, cho chút ít vào thôi là chuẩn như mẻ xịn luôn, ăn xong là đỡ hẳn nỗi nhớ quê nhà.

Công ty tư vấn GD&ĐT Nam Á (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét